Đã thêm vào giỏ hàng!

Xem giỏ hàng

  admin

  0

  09/08/2023

Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường

Môi trường sống của con người là tập hợp toàn thể vật chất và hiện tượng, chúng có sự hình thành và phát triển tự nhiên, giữa con người và môi trường tự nhiên có một sự liên kết hoạt động có thể xem là tuyệt tác của tạo hoá.

Theo khoa học thì sự sống hình thành theo quá trình tiến hoá, biến đổi gen, từ thấp đến cao, dần dần xuất hiện và cuối cùng con người là động vật bậc cao nhất, tiến hoá nhất, thông minh nhất và đủ khả năng để làm chủ Trái Đất này. Theo Đạo Phật thì sự hình thành của thế giới này không chỉ là yếu tố vật chất mà còn là tâm linh. Không chỉ tự nhiên sự thay đổi gen diễn ra mà chính là tác động của nghiệp. Do nghiệp chiêu cảm mà chúng sanh có muôn vàn hình thù sai khác, có cao có thấp, tùy tâm niệm mà thế giới hình thành. Tất cả đều là đủ nhân đủ duyên mà hợp, không có gì là ngẫu nhiên hay quà tặng của đấng siêu nhiên nào cả.

Thực trạng hiện nay cho thấy môi trường tự nhiên có biến chuyển ngày càng phức tạp theo chiều hướng xấu. Dưới những tác động của con người, vì phục vụ lòng tham, vì tin tưởng tuyệt đối vào khoa học, con người mãi không nhận ra những thông điệp nhắc nhở đến từ mẹ thiên nhiên

Chúng thanh niên Phật tử Đà Nẵng đi nhặt rác trên đường phố
Chúng thanh niên Phật tử Đà Nẵng đi nhặt rác trên đường phố

Ô nhiễm không khí được xếp vào loại ô nhiễm nguy hiểm bậc nhất và theo thống kê thì ô nhiễm không khí khiến hơn 7 triệu người chết mỗi năm, ngay cả ở Việt Nam hiện tượng này cũng đã diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Những hóa chất độc hại thải ra từ sinh hoạt, công nghiệp làm ô nhiễm nặng, chúng ta thay vì sử dụng các biện pháp sinh học gần gũi thiên nhiên lại chọn chế phẩm hóa học để đạt mục tiêu nhanh, hiệu quả, thuốc trừ sâu, hóa chất, đốt rác thải, đánh bắt hiện đại tiêu diệt môi trường sống của các sinh vật khác, có những loài vì bị khai thác quá mức mà trở nên tuyệt chủng.

Khủng hoảng vì vấn đề rác thải nhựa: chai nhựa và túi ni lông sử dụng phổ biến mà không được thu hồi, tái chế để bao nhiêu đống rác khổng lồ hình thành. Những bãi biển chỉ toàn là rác, các nhà nghiên cứu sau khi thám hiểm lòng biển đã vô cùng lo lắng, theo thống kê của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy của Mỹ thì mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra biển trên toàn thế giới. Tổ chức này cũng dự báo là tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa. Chúng ta làm ô nhiễm tận lòng đại dương, hậu quả làm nguy hại đến sự đa dạng của sinh vật biển, đau lòng với những hình ảnh những chú cá, rùa bị chết cứng trong những tấm lưới chai nhựa bị quăng bỏ. Mà điều đáng sợ hơn là mạng người bắt đầu bị đe dọa, khi con người ăn các loài sinh vật biển đã bị nhiễm độc do vi nhựa thì con người cũng bị nhiễm độc có thể dẫn đến vô sinh và ung thư. Khoa học cảnh báo là các hạt vi nhựa cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của con người.

Biến đổi khí hậu trở thành mối lo toàn cầu, Trái Đất đang ngày càng nóng lên, dẫn đến thiên tai, bão, lũ quét, hạn hán,…ngày càng khốc liệt, cướp đi rất nhiều mạng sống con người. Nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu chính là lượng khí thải Cacbonic làm nên hiệu ứng nhà kính và cụ thể hơn chính là do nạn phá rừng của con người.

Nhìn lại những biến đổi của thiên nhiên chúng ta cũng đều nhận ra nguyên nhân chính vẫn là bởi con người, vì chúng ta tham lam và kém ý thức, đặc biệt là chưa có cái nhìn đúng đạo lý và tầm nhìn hạn hẹp nên giờ đây chính chúng ta phải thay đổi suy nghĩ và tìm mọi cách để khôi phục lại môi trường sống tự nhiên, cân bằng lại hệ sinh thái, chính là cân bằng lại những bất ổn đang diễn ra.

Đứng trước tình hình đó Đạo Phật đã đóng góp những gì?

Giáo lý của đạo Phật có giá trị giúp con người chuyển hóa thân tâm, rèn luyện đạo đức để con người sống một cuộc sống tử tế yêu thương và đem đến giải thoát cho vị lai. Con đường tu tập Bát Chánh Đạo là con đường của đạo đức, trí tuệ và thiền định. Phải nói rằng không một tôn giáo nào có nền tảng giáo lý đồ sộ, vững chãi như Phật giáo và tất cả mọi lời dạy đều đem đến một cuộc sống chân thiện mỹ cho người học. Đạo Phật chữa lành khổ đau cho chúng sanh nhưng không phải ở ngọn mà ở cái gốc, chính là “tâm”. Sở dĩ thế giới có khổ đau, chết chóc, có chiến tranh bởi lòng người còn tham lam, thù hận, ích kỷ. Đạo Phật kêu gọi con người chuyển hóa tham sân trong tự thân để sống yêu thương hòa hợp với muôn loài. Không cổ vũ chiến tranh, không đem đến chia rẽ, không bạo lực, mà là hòa bình, nhẫn nhịn và vị tha. Mặc dù Phật không chỉ rõ trực tiếp công tác bảo vệ môi trường phải như thế nào, nhưng thẩm thấu được tư tưởng đạo đức trong lời Phật dạy thì dù chỉ là một Phật tử sơ cơ chúng ta cũng trở thành một công dân yêu quê hương, đất nước, biết ơn từng nhân duyên trong cuộc sống. Và điểm mạnh nhất mà Phật giáo mang đến cho xã hội chính là: Công tác giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Bởi chỉ khi tác động vào nhận thức sẽ tạo được động cơ cho con người hành động, muốn bảo vệ môi trường chính là đánh vào ý thức con người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Phật giáo đánh vào đạo đức của lòng biết ơn và tình yêu thương để bảo vệ thiên nhiên, một biện pháp hữu hiệu, tích cực mà không gây nên phản ứng phụ.

Các chùa thường tổ chức những khóa tu, thu hút rất nhiều bạn trẻ, dạy cho các bạn về những kỹ năng sống và đặc biệt là truyền trao Phật pháp. Những đạo lý biết ơn, yêu thiên nhiên, sống có lí tưởng…giáo lí nhân quả nghiệp báo cũng đưa đến nhiều tác động tích cực cho các bạn trong suy nghĩ, lí giải vì sao cùng là con người mà người giàu kẻ nghèo, nơi nghèo nàn kẻ dư thừa, có những nơi nước còn không có để uống,…để chứng minh nhân quả là có thực và nếu hôm nay ta không gây nhân lành, ta phông phí, ta sử dụng tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, ta không bảo vệ, thì mai sau chính chúng ta và thế hệ sau chúng ta phải chịu những quả khổ ấy. Và những hoạt động bảo vệ môi trường như đi nhặt rác đường phố, trồng cây xanh được diễn ra thường xuyên có tác động tích cực đến cả cộng đồng. Dạy các em biết hy sinh, phụng sự cho đời, biết gieo nhân lành để chuyển hóa khổ đau, biết yêu thương mọi điều trong cuộc sống từ đây tình yêu thiên nhiên trở thành trách nhiệm đạo đức trong các bạn trẻ và họ đã hành động, nâng cao ý thức hơn để bảo vệ ngôi nhà chung. Sau khóa tu các bạn trẻ khi trở về đời sống gia đình sẽ thay đổi, quan tâm đến đạo đức sống lành mạnh, hướng thượng hơn.

image 296
Bảo vệ môi trường cùng gia đình – Sách truyện tương tác Phật Giáo

Chính nhờ sức ảnh hưởng này mà Phật giáo đã tạo nên nền đạo đức yêu thiên nhiên vào lòng thế hệ trẻ, như vậy vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa làm giàu mạnh nguồn lực cho nước nhà, bởi đạo đức là nguồn gốc cho sự bền vững và phát triển cả dân tộc. 

Sở dĩ mà các tu sĩ Phật giáo có thể nói lên những nguồn đạo lý sống động, thuyết phục như vậy chính bởi đời sống tu tập của họ đã thấm nhuần giá trị từ bi, yêu thương và thân thiện với môi trường. Người tu khép mình trong các giới điều mà những giới này đều xuất phát từ đạo đức, từ tình yêu thương đến chúng sanh và thực hành đời sống biết đủ hạn chế những hưởng thụ dục lạc ích kỷ. Bởi một đời sống không sát sanh, vị tha, ít hưởng thụ nên sự có mặt của tu sĩ Phật giáo ở đâu là sự thanh bình, nhẹ nhàng ở đó. Chúng con nhớ ngày đầu vào chùa, được nghe những bài kệ trước lúc ăn cơm, sư phụ dạy khi ăn cơm phải nhớ ơn nông phu cày cấy, mặc y phục nhớ công người dệt may,…từng hạt gạo, từng giọt nước đều là ân nghĩa với chúng sanh. Những lời dạy ấy đã tạo nên lòng biết ơn sâu sắc, mỗi khi bật một cái bóng điện hay mở một vòi nước đều cảm thấy đó là mồ hôi, nước mắt của bao người nên sử dụng tiết kiệm và không để phí phạm. Vì lòng từ hướng đến những chúng sanh thiếu phước, sinh ra ở những nơi nghèo nàn, chiến tranh…tự bản thân cũng không dám hưởng thụ những tiện nghi không cần thiết, muốn để dành phước cho những điều cao cả hơn. Từ những ý niệm nhỏ trong đời sống tu tập đã tạo nên một tình thương lớn, vô tận và mỗi hành giả trở thành sứ giả của đạo đức mà yêu thiên nhiên là một điều tất yếu. Trong khi ngoài kia con người ta đi tìm kiếm hạnh phúc ở những sự loạn động, hơn thua, trác táng, thì các bạn trẻ đã thấy được hạnh phúc chân thật ở sự bình an, giản dị, đời sống hòa đồng của tu sĩ Phật giáo.

Trồng và bảo vệ rừng là trách nhiệm cấp thiết hiện nay

Diện tích đất rừng bị thu hẹp, lá phổi xanh của thế giới cũng đã cất lời kêu cứu, Trái Đất nóng lên đến kinh ngạc, việc trồng rừng trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này.

Không phải chỉ hôm nay thế giới gặp biến động Phật giáo mới kêu gọi yêu thiên nhiên mà hơn 2500 năm về trước Đức Thế Tôn đã có những thông điệp đến hàng đệ tử về tình yêu rừng, yêu thiên nhiên. Những sự kiện quan trọng của đời Ngài đều gắn liền với rừng, cả vào cuối đời, khi đệ tử đã đông đủ, các tịnh xá được xây cất khang trang thì Ngài vẫn chọn Niết Bàn dưới gốc cây sa la song thọ. Một đấng giáo chủ của một tôn giáo lớn, là bậc Thiên Nhơn Sư, nhiều vua chúa đều là đệ tử Ngài, vậy mà Ngài vẫn sống một đời giản dị, hòa hợp thiên nhiên vô cùng. Đó là bài học quý giá cho hậu nhân. Ngài khuyến khích các đệ tử sống trong rừng, ngủ dưới gốc cây, chính đời sống đó thì các thầy càng hiểu và trân quý thiên nhiên, xa rời cuộc sống xa hoa, hưởng thụ. Hình ảnh thiên nhiên, đặc biệt là cỏ cây trở thành những hình ảnh ví dụ quen thuộc  như trong Tương Ưng Rừng, Phẩm Cây Lau, Kinh Lá Rừng Simsapa (Kinh Tương Ưng), Phẩm Rừng( Kinh Tăng Chi), hay Phẩm Dược Thảo Dụ (Kinh Pháp Hoa),…hình ảnh rừng cây trở nên gần gũi, dễ sử dụng đi vào trong lời Phật dạy càng chứng tỏ thiên nhiên và con người là một, những quy luật của thiên nhiên cũng không ngoài đạo lí sống của con người. Phải công nhận trí tuệ tuyệt vời của Phật khi chọn rừng làm nơi tu tập cho hàng đệ tử, Ngài biết được những lợi ích tâm linh mà rừng mang đến:

“Ở đây này Nagita, Ta thấy một Tỳ kheo sống ở trong rừng, ngồi chưa đạt được Thiền định ở trong rừng. Này Nagita, đối với vị ấy, ta suy nghĩ: ‘Tôn giả này chưa đạt được Thiền định, nhưng sẽ thành tựu được Thiền định, và sẽ bảo vệ được tâm đã được Thiền định’. Do vậy này Nagita, Ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỳ kheo ấy”. (Tăng Chi II, tr. 336) và ngày nay khoa học cũng đã công nhận cây xanh cũng có tâm linh, ở trong rừng tâm hồn con người ta được chuyển hóa, thay đổi tốt hơn lên. Phật kêu gọi con người gieo nhân lành để chuyển hóa nghiệp và có quả báo lớn, trồng rừng là việc lành đi đầu.

“Ai trồng vườn, trồng rừng

Ai dựng xây cầu cống,

Đào giếng, cho nước uống,

Những ai cho nhà cửa,

Những vị ấy ngày đêm,

Công đức luôn tăng trưởng,

Trú pháp, cụ túc giới,

Những vị ấy sanh Thiên.”

 Kinh Tương Ưng – Phẩm Thiêu Cháy

Ý niệm quý trọng rừng cây được hun đúc thời xa xưa. Yêu thiên nhiên là đặc tính trong nhân cách của mọi vị đệ tử Phật.

Hôm nay, thì dù xã hội có tiến bộ thay đổi đến đâu, là người hiểu rõ sự vận hành của các pháp, của nhân quả, thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa rừng về cuộc sống con người, vị đệ tử Phật càng không thể thờ ơ trước nguy cơ rừng bị hủy diệt. Và các tu sĩ Phật giáo đã không ngồi im nhìn chúng sanh tạo nghiệp, họ kêu gọi trồng rừng, bảo vệ cây xanh, khuyến khích sử dụng những đồ dùng thay thế gỗ. Có những ngôi chùa ở chốn núi rừng đã tận dụng gốc cây làm cột nhà mà không đốn hạ cây, phát động Phật tử trồng 50 cây xanh trong một năm, lên án những hành vi phá rừng, nhiều chùa đã tự mua đất hoặc liên hệ với chính quyền sở tại để được phép trồng và chăm sóc cây miễn phí,….đó là những hành động thiết thực còn góp phần giáo dục tín đồ, chỉ có sự chung tay của tất cả mọi người thì hy vọng trong 10 năm nữa độ che phủ rừng được cải thiện đáng kể, đó là lời xin lỗi giá trị mà con người muốn xin lỗi mẹ thiên nhiên, để bớt đi những hạn hán, thiên tai làm nên cảnh chết chóc, đau thương.

Chúng thanh niên Phật tử Thái Nguyên tham gia trồng rừng
Chúng thanh niên Phật tử Thái Nguyên tham gia trồng rừng

Điển hình là Chùa Phật Quang tại Núi Dinh, từ kiến trúc cho đến sinh hoạt đều thể hiện được tinh thần yêu thiên nhiên, chùa sản xuất túi đựng đồ với chất liệu là vỏ cây chuối để hạn chế sử dụng túi ni lông, cơ sở hạ tầng bên trong chùa cũng đều được làm bằng chất liệu xi măng, sắt mà không hề sử dụng đồ gỗ sang trọng mặc dầu chùa nằm tọa lạc ở thung lũng trên núi. Những khóa tu đông đến cả 10.000 người nhưng vấn đề phân loại rác luôn được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt công đoạn rửa chén bát bằng máy nước nóng, rửa được số lượng lớn chén bát trong thời gian ngắn mà không cần dùng đến hóa chất tẩy rửa. Chùa đã tạo dựng được các chúng thanh niên ở các tỉnh trải dài trên khắp cả nước và hưởng ứng rất tốt phong trào yêu thiên nhiên, những hoạt động thiện nguyện được tổ chức thường xuyên, thậm chí được cơ quan thành phố cho phép treo những khẩu hiệu, biểu ngữ trên các đường phố kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường.

Cuối tuần khi đêm đến người ta xuống phố để dạo chơi và xả rác rất nhiều thì các bạn thanh niên Phật tử ở Đà Nẵng lại tổ chức đi nhặt rác, một hình ảnh rất đẹp, tác động tích cực đến tâm hồn của các bạn trẻ.

Thanh niên Phật tử lên chương trình nhặt rác tại Đà Nẵng
Thanh niên Phật tử lên chương trình nhặt rác tại Đà Nẵng

Bảo vệ môi trường tự nhiên là trách nhiệm thuộc về tâm lý đạo đức của con người nhưng vì đa phần con người sống theo bản năng, bị tham chi phối nên cũng ít ai quan tâm đến vấn đề này. Ở Việt Nam, nói đến bảo vệ môi trường cũng là điều còn xa lạ, ra đường vẫn thấy xả rác khắp mọi nơi, thậm chí xả một cách vô ý thức, trong rừng sâu tiếng máy cưa của những người buôn gỗ vẫn ì xèo, những nhà máy công nghiệp vẫn hoạt động vì tăng trưởng kinh tế và thải ra nước thải, khí độc ra môi trường, những con kênh quanh thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đục ngầu ô nhiễm mức trầm trọng…đúng là thực tế và lý thuyết là hai thứ xa vời. Chỉ khi nào pháp luật ra một mức xử phạt nghiêm trọng khi đó mới hy vọng con người biết sợ để thôi hành động phá hoại môi trường sống. Ước muốn ai ai cũng ý thức được cuộc sống này là một sự cộng hưởng lẫn nhau, một hành động nhỏ của chúng ta dù thiện hay ác đều ảnh hưởng đến người xung quanh và quả báo về sau là nhất định có. Dù cho mọi người có phải là Phật tử hay không thì trách nhiệm bảo vệ môi trường đều phải được nâng cao, đó là đạo đức làm người, chuẩn mực xã hội.

Đến bây giờ thì ra đường mà ai chưa có ý thức bảo vệ thiên nhiên người đó đáng là người bị xem thường, bị lên án. Con người phải nhanh chóng thay đổi nếp sống của mình để bảo vệ môi trường trước khi mọi thứ quá muộn. Cơ quan chức trách, trường học phải đưa vấn đề giáo dục môi trường lên hàng đầu và phải có hành động thiết thực, người lãnh đạo phải là tấm gương đi đầu.

Tóm lại, mỗi con người có mặt trên Trái Đất này, không một ai không mang nợ ân nghĩa của thiên nhiên, từng hơi thở, từng giọt nước, từng trang giấy, cái bàn, chiếc ghế, nhỏ như cây kim, cho đến mọi thứ ta dùng đều nương nhờ thiên nhiên mà có, ta lấy của thiên nhiên rất nhiều thì phải làm gì đó để đền đáp ân nghĩa đó.  Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Sử dụng tiết kiệm, hợp lý, ứng dụng thành tựu khoa học nhưng phải phù hợp với thiên nhiên, cố gắng sử dụng các phương pháp tự nhiên để tránh làm hủy hoại môi trường sống của nhiều sinh vật khác. Phải có trách nhiệm với từng món đồ mà ta làm ra, từ khâu sản xuất cho đến xử lý. Cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, lên án những hành vi vi phạm. Từng chút việc nhỏ trong gia đình từ tiết kiệm điện, nước, phân loại rác,…đã góp phần làm cho xã hội văn minh, đất nước phồn thịnh. Riêng mỗi người con đệ tử Phật phải là ngọn lửa truyền trao năng lượng tích cực để giúp cộng đồng cùng bảo vệ thiên nhiên. Cần lắm những Phật tử xuống đường làm gương cho mọi người, những công việc tuy nhỏ bé, đơn giản này nhưng lại chính là cơ hội cho ta làm phước, tạo nên nghĩa cử cao đẹp cho đời, là ta đang làm việc phi thường chứ chẳng phải tầm thường, bởi xã hội này bây giờ cái gì cũng đủ hết cả rồi, chỉ thiếu một thứ nữa thôi là cuộc sống sẽ hạnh phúc, đó chính là thiếu đạo đức trách nhiệm, thiếu tình yêu thiên nhiên.

Để tình yêu thiên nhiên trở thành bản chất tâm cũng là một công phu tu tập sâu dày, chỉ khi có chánh kiến ta nhìn rõ cái gì nên làm cái gì không nên làm vì sao ta cứu loài này mà không cứu loài kia, vì sao ta lại sử dụng cái này, vì sao ta làm điều này…mọi hành động nhờ chánh kiến mà đi đúng đạo lí. Và khi có chánh niệm ta mới tỉnh giác trong từng hành động, bật một ngọn đèn, vứt một miếng giấy, vỏ kẹo,…nếu không có sự chánh niệm, định tâm thì cũng lắm lúc ta đã làm điều có lỗi với thiên nhiên. Yêu thiên nhiên cũng là một đề mục cho sự tu tập và là thước đo đánh giá tiến trình tâm mình, người nào yêu thương được ngọn cỏ, chiếc lá, yêu thương được người lao công hằng ngày thu gom rác thải, yêu thương được cả cái gọi là rác…thì khi ấy thực sự tâm ta đã có chút phần khế hợp chánh pháp. Bởi tâm của một vị Thánh thì trên đời này không còn gì là xấu xa, rác thải nữa. Cầu nguyện cho mỗi nhà tu hành là một sứ giả mang thông điệp bảo vệ môi trường lan tỏa khắp mọi nơi. Trái Đất đang cần chúng ta, chúng ta đi vì sự lợi lạc cho số đông, vì sự hạnh phúc của số đông. 

(Theo phatgiao.org.vn)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sản phẩm bạn có thể quan tâm

HH0065 BIA e1716539606403

Ghim cài áo Lá Bồ đề cao cấp 3D nổi...

Ghim cài áo

85.000đ

Ghim cài áo là một món đồ vừa có công dụng để ghim mọi thứ lại với nhau, vừa có thể dùng làm đồ trang sức. Đặc biệt là các quý Phật tử có thói...
MKT SMB Mat truoc

Sắc màu của bụt: Hành Trình Đi Tìm Đức Thế...

Sách tô màu

145.000đ

“Hành trình đi tìm Đức Thế Tôn" là một trong 3 quyển thuộc bộ "Sắc màu của Bụt" được Sách Tốt Đẹp phát hành đầu năm 2024. Đây là bộ sách đầu tiên ở Việt...
MKT NNNQ12 01

Ngụ Ngôn Nhân Quả: Khỉ Con Tốt Bụng

Sách tương tác

25.000đ

Cuốn sách Khỉ Con tốt bụng là cuốn sách cuối cùng trong 12 cuốn thuộc chuỗi Series Ngụ Ngôn Nhân Quả do Sách Tốt Đẹp biên soạn và phát hành năm 2024. Đây là một...
HH0050 BIA e1716539906264

Ghim cài áo lá Bồ Đề 3D Đức Phật Thích...

Ghim cài áo

85.000đ

QUÀ TẶNG Ý NGHĨA PHẬT GIÁO 🙏🏻 Ghim cài áo hình lá Bồ Đề và Đức Phật Thích Ca được đưa về từ Bồ Đề Đạo Tràng - Ấn Độ nơi Đức Phật thành đạo....