Mẹ giúp con có “tuổi thơ không smartphone” nhờ những điều đơn giản mỗi ngày
Dù các thiết bị điện tử là những vật dụng không thể thiếu trong thời đại 4.0 nhưng bà mẹ 8x vẫn có những cách riêng giúp con có tuổi thơ không bị phụ thuộc vào chúng.
Một đứa trẻ nghiện thiết bị điện tử là do người trực tiếp nuôi dạy con
Chị Lệ Khánh (sống tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) là mẹ của bé trai sắp 3 tuổi. Khi dẫn con ra ngoài chơi, chị thường hay nghe những câu như:
– Em giỏi vậy, tự xúc ăn, không cần xem điện thoại à?
– Con xem em kìa, em đâu có xem điện thoại đâu.
– Làm sao cấm con chơi điện thoại được hay vậy?
– Khi nào thì không cấm con chơi điện thoại nữa?
Trên thực tế, chị Khánh chưa bao giờ cấm con sử dụng điện thoại, thế nhưng chị cũng không giới thiệu điện thoại cho con như một món đồ chơi. Em bé gần 3 tuổi biết điện thoại được sử dụng với mục đích gọi điện, nhắn tin, chụp hình, quay video. Thỉnh thoảng con sẽ nói “mẹ chụp hình đi”, “mẹ gọi điện cho ông bà đi”, nhưng chưa bao giờ đòi điện thoại như một món đồ chơi.
“Mình nghĩ nếu một đứa trẻ nghiện thiết bị thông minh (TV, điện thoại, ipad,…) thì đó không phải là lỗi của con, đó là vấn đề của người trực tiếp nuôi dạy con.
Mình cũng hay gặp các quan điểm như thế này: Trẻ con bây giờ đứa nào chẳng thế! Trẻ con bây giờ xem TV, điện thoại sớm nên thông minh hơn; Không cho xem điện thoại, tivi là nó không chịu ăn đâu! Giờ bố mẹ nào cũng dùng điện thoại nên con nít đều nghiện điện thoại cả.
Mình biết bây giờ là thời đại 4.0, điện thoại là một vật dụng không thể thiếu, mình làm việc trên điện thoại rất nhiều, con mình sẽ cần được hướng dẫn sử dụng điện thoại như một công cụ hỗ trợ cần thiết, nhưng chưa phải là bây giờ. Nếu bố mẹ chịu khó tìm hiểu thì sẽ biết sử dụng thiết bị thông minh sớm hại nhiều hơn là lợi.
Mình không dám phán xét ai, mỗi người có một hoàn cảnh và quan điểm sống riêng. Mình biết nhiều bố mẹ vì quá bận nên giao con cho điện thoại, TV để con ngồi yên một chỗ. Mình chỉ hi vọng bố mẹ sẽ tìm hiểu và quyết tâm để con có tuổi thơ trọn vẹn hơn”, chị Khánh bày tỏ quan điểm.
Tuổi thơ không có smartphone, có được không?
Một vài kinh nghiệm của vợ chồng chị Khánh khi nuôi dạy một em bé không phụ thuộc thiết bị thông minh:
1. Không để con lệ thuộc vào màn hình TV
Nhà mình không có TV, vì cả mình và chồng đều không có nhu cầu xem TV. Do vậy con mình từ nhỏ đến giờ cũng vậy. Thay vào đó, nhà mình có 1 loa lớn kết nối với điện thoại để mở nhạc cho con nghe khi con chơi và 1 loa nhỏ cắm thẻ nhớ để mở nhạc trước khi đi ngủ, đọc sách tiếng Anh cho con. Con mình thuộc rất nhiều bài hát cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt mà không cần lệ thuộc vào việc xem hình ảnh trên màn hình.
2. Không sử dụng điện thoại để giải trí trước mặt con
Vợ chồng mình không sử dụng điện thoại để giải trí (xem video, chơi game,…) trước mặt con. Các hoạt động có hình ảnh và âm thanh trên điện thoại sẽ thu hút con. Mình không nói với con “chơi điện thoại là hư” hay “chơi điện thoại nhiều là hỏng mắt”, vì bố mẹ vẫn cần sử dụng điện thoại trước mặt con.
Khi ở nhà với con, mình cố gắng dùng điện thoại ít nhất có thể nhưng vì nhiều việc cần xử lý trên điện thoại nên mỗi khi cần dùng mình sẽ nói với con “mẹ làm việc một chút nhé, xong mẹ sẽ chơi với con tiếp”. Mình cố gắng làm nhanh nhất có thể vì con sẽ giục “mẹ cất điện thoại đi, đừng làm việc nữa”.
3. Hạn chế thời gian con tiếp xúc điện thoại
Mình có cho con tiếp xúc với điện thoại là khi gọi video cho ông bà, người thân. Tuy nhiên thời gian rất hạn chế và con cũng không thích nói chuyện qua điện thoại bằng gặp trực tiếp. Con sinh ra trong mùa dịch nên việc gặp gỡ với mọi người hạn chế, mình vẫn muốn giữ sợi dây kết nối với mọi người nên gọi điện cho ông bà, cậu dì nói chuyện với con. Tuy nhiên mình nhận ra đối với con kết nối trên điện thoại khác với đời thực, hồi bé con nói chuyện trên điện thoại với cậu mỗi ngày, nhìn hình là nhận ra cậu nhưng khi gặp cậu ngoài đời thì không nhận ra.
4. Luôn trò chuyện với con
Trò chuyện với con mọi lúc có thể, khi bố mẹ làm việc cũng tranh thủ quay ra nói chuyện với con, trả lời câu hỏi của con (và kiểm tra xem nó đang làm gì. Hồi con vài tháng, mình thường để con trong xe đẩy, lớn hơn xíu là cũi, vừa nấu ăn, làm việc nhà vừa trò chuyện với con.
5. Dành thời gian mỗi ngày chơi cùng con
Mỗi ngày đều có thời gian bày đồ chơi ra chơi cùng nhau, bận rộn thì chơi thời gian ngắn 10-15 phút cũng được, nhưng đó là thời gian hoàn toàn dành cho nhau, không sử dụng điện thoại, không làm việc khác. Nhà mình rất hạn chế sắm đồ chơi nên có gì dùng nấy thôi, thực ra cái con cần là bố mẹ chơi cùng mình chứ không phải là chơi trò gì. Đồ chơi ít lại càng kích thích sự sáng tạo của con.
Sắp xếp thời gian đưa con ra ngoài chơi mỗi khi có thời gian rảnh. Nhà mình đều rất siêng đi nên không đi xa thì đi gần, không nhiều thời gian thì rảnh lúc nào đi lúc ấy. Có khi chỉ là cả nhà cùng nhau ra quảng trường dạo một vòng rồi về cũng đủ vui rồi. Vừa đi vừa nói chuyện với con về những sự vật bên ngoài như là các loại xe trên đường, chiếc máy bay trên trời, con bò ăn cỏ bên đường,… “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là cực chuẩn trong trường hợp này.
6. Đọc sách cho con
Duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày cho con nghe, từ khi con mới sinh ra, đây là “trò” dễ nhất để chơi với con, vừa tạo sự kết nối trong gia đình lại giúp con phát triển tư duy, ngôn ngữ rất tốt. Mình nghĩ đọc sách giúp kích thích trí não con tốt hơn rất nhiều so với xem điện thoại, TV một cách thụ động.
7. Lập hội các gia đình đi chơi
Lập hội các gia đình có con không dùng smartphone để đi chơi cùng nhau. Con sẽ có bạn bè để cùng chơi, cùng giao lưu và con không thấy lạc lõng vì xung quanh các bạn toàn xem điện thoại còn mình thì không.
Các bạn nhỏ: không-smartphone và chơi tương tác cùng “Vui Cùng Sen Sún”.
8. Kỉ luật bàn ăn
Riêng về chuyện ăn uống, từ khi con bắt đầu ăn dặm mình đã áp dụng “kỉ luật bàn ăn” với con, nghe “kỉ luật” có vẻ to tát nhưng chỉ đơn giản là: đến giờ ăn ngồi vào ghế, nếu không ăn thì mời ra khỏi ghế; bữa ăn không quá 30 phút; không dùng điện thoại, TV, đi rong hay bất kì hình thức nào để dụ con ăn ngoài việc cố gắng thay đổi thực đơn, cách chế biến để con hợp tác. Trộm vía 15 tháng con mình tự xúc ăn tốt, ăn đa dạng và đi ra ngoài cũng tự ăn, nếu đồ không ngon thì con ăn ít thôi.
9. Cho con đi học sớm
Mình cho con đi học khá sớm và chọn một trường có nhiều hoạt động phong phú, có giờ đọc sách và không sử dụng TV. Mình ở thành phố, con ít có bạn chơi cùng nên đi học sớm giúp con có môi trường để giao tiếp, học hỏi tốt hơn.
10. Dạy con tự lập
Tập cho con thói quen chơi tự lập từ bé. Công việc chồng mình rất bận rộn, anh tranh thủ mọi thời gian có thể để ở bên con, còn hầu hết thời gian còn lại mình và con xoay với nhau. Mình đã tập dần cho con thói quen chơi tự lập từ nhỏ. Những lúc mẹ làm việc thì con quẩn quanh làm những “việc của con” như:
– Xếp đồ chơi ra chơi một mình.
– Lật sách ra tự xem.
Lôi dụng cụ nấu ăn của mẹ ra để ‘nấu’ giống mẹ
– Xếp lego.
– Tô màu, vẽ tranh.
Khi con còn nhỏ, chưa tự chơi một mình được thì mình tranh thủ lúc con ngủ để làm việc hoặc hai vợ chồng thay phiên nhau: một người chơi với con, một người làm việc nhà. Khi ra ngoài chơi, uống cafe chẳng hạn, tụi mình cũng thay nhau một người ngồi uống nước, nói chuyện với bạn bè, một người dẫn con đi chơi xung quanh.
“Một số bạn nói với mình có nhiều app giáo dục rất tốt cho con nhưng quan điểm của mình là những hoạt động bên ngoài màn hình tốt cho con hơn rất nhiều. Mình có đọc được một ý khá tương đồng trên trang của Bác sĩ Anh Nguyen: “Khi nói với các ứng dụng giáo dục (sử dụng các thiết bị có màn hình điện tử), Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ từng nhấn mạnh: bất kể chương trình giáo dục nào có sử dụng hay truyền tải qua thiết bị có màn hình điện tử cho trẻ dưới 2 tuổi là không có ý nghĩa giáo dục, bao gồm các ứng dụng cho là giáo dục”. Mình nghĩ con được tận mắt sờ nắm ăn thử quả cam một lần sẽ hiệu quả hơn con xem quả cam trên điện thoại 100 lần.
Nếu bố mẹ muốn con tiếp xúc với màn hình điện tử thì mình nghĩ ít nhất phải sau 2 tuổi, đồng thời bố mẹ phải kiểm soát được nội dung, thời gian con xem thiết bị và tốt nhất là bố mẹ sẽ xem cùng con và tương tác với con suốt thời gian đấy. Đừng biến điện thoại thành “bảo mẫu” giữ con để bố mẹ rảnh tay rảnh chân. Tác dụng có thể có nhất thời nhưng tác hại thì âm thầm và lâu dài lắm.
Hi vọng chia sẻ này sẽ có ích với những gia đình đang và sẽ có con nhỏ. Mong rằng những em bé không-smartphone như con mình sẽ trở nên bình thường, không được khen ngợi như một sự “bất thường” nữa. Chúc bố mẹ và các bé luôn hạnh phúc và vui vẻ”, chị Khánh trải lòng.
(Theo phunuvietnam.vn)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Tập học sinh 96 trang Tốt Đẹp
Tập học sinh
8.000đ
Vui Cùng Sen Sún: Tết Vui No Ấm
Sách tô màu
35.000đ
Vui cùng Sen sún: ngày Phật ra đời!
Sách tô màu
28.000đ
Thiện Lành như Phật: Nhẫn nhịn là sức mạnh
Sách tương tác
60.000đ