Hành trình 12 ngày đêm làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển ở hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo
Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) hằng năm đều có chương trình tuyển các tình nguyện viên tham gia vào công tác hỗ trợ bảo tồn rùa biển. Năm nay mình có đăng kí tham gia chương trình này và may mắn được chọn. Mình đã có 12 ngày đêm trải nghiệm “bỏ phố ra đảo” để sống tại trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời mà mình may mắn có được, giờ khi đã về đất liền, mình muốn chia sẻ với mọi người về chuyến đi đầy thú vị này.
Rùa trên hình cover là Photoshop, hình ảnh rùa thật sẽ có trong video và phía dưới bài viết:
Để di chuyển ra Côn Đảo, chúng ta có hai sự lựa chọn là đi tàu cao tốc hoặc máy bay. Nếu muốn ổn định thì nên chọn đi tàu vì máy bay sẽ dễ bị delay nếu thời tiết không quá thuận lợi. Mình đã kiểm tra thời tiết vào hôm đi, thấy ổn nên quyết định chọn đi bằng máy bay để tiết kiệm thời gian và công sức. Nếu đi tàu thì anh em có thể chọn khởi hành từ Trần Đề (Sóc Trăng), thời gian tàu di chuyển sẽ ngắn hơn và rẻ hơn so với khởi hành từ Vũng Tàu. Còn nếu đi máy bay thì thật lòng khuyên mọi người nên bay Bamboo. Bamboo bay bằng chiếc A321neo, êm, mới và thoải mái hơn nhiều so với chiếc ATR 72 nếu đi bằng Vietnam Airlines.
Thời gian bay tới Côn Đảo từ Sài Gòn tầm 50 phút. Mình đến nơi khoảng 12 giờ, bắt xe trung chuyển rồi về khách sạn check-in, loay hoay cũng tới 1 giờ rưỡi chiều. Đi dạo ăn uống một tí sau đó sẽ tiếp tục bắt xe điện đi ra Vườn quốc gia Côn Đảo để họp mặt với mọi người.
Đây là đội hình (chưa đầy đủ) các bạn tham gia đợt này cùng mình. Tại Vườn quốc gia, tụi mình được các chuyên gia về rùa biển phổ biến một số kiến thức quan trọng, lý thuyết về những việc mà bọn mình sẽ làm, cũng như thống nhất với nhau về phân công nấu nướng, thủ quỹ,… Lúc này chưa thân lắm đâu, mặt ai cũng sượng trân.
Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc hệ thống rừng đặc dụng, là 1 trong 33 Vườn Quốc gia của Việt Nam. Khu bảo tồn được thành lập năm 1993 với diện tích gần 6000ha trên cạn và 14000ha vùng nước với hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú. Biển Việt Nam có nhiều nơi rùa biển lên đẻ trứng, nhưng Côn Đảo chính là nơi có nhiều rùa lên bờ nhất nước ta.
Tại đây sẽ có những tiêu bản rùa biển để mọi người chiêm ngưỡng. Chưa đâu, đây chỉ mới là tiêu bản, nhìn chưa đã 😁 những ngày sau đó mình còn được nhìn, chạm và “đỡ đẻ” cho rùa thật cơ.
Sau khi họp xong, tụi mình sẽ ở lại đảo Côn Sơn (còn gọi là đảo lớn) một ngày để khám phá. Buổi chiều cả đám rủ nhau ra bãi biển Đầm Trầu để tắm biển và ngắm hoàng hôn. Tiếc quá, mây mù giăng lối nên không thấy hoàng hôn được.
Biển sạch, ít động, bờ cát thoải nên tắm khá thích. Tiếc là cát nơi đây vàng nên chụp hình không đẹp lắm.
QUẢNG CÁO
javascript:if(typeof(adnzone515899)!=’undefined’){adnzone515899.renderIframe();}else{parent.adnzone515899.renderIframe();}
Khách sạn mình ở nằm đối diện chợ đêm, buổi tối đi bộ vài bước ra là có ăn. Mình thấy đồ ăn trong chợ đêm bán ngon lắm. Giá cả ở Côn Đảo thì có thể hơi là cao hơn một tí so với mặt bằng chung. Dễ hiểu thôi, ngoài đảo khơi thì sao mà rẻ được.
Kem dừa là đặc sản của Côn Đảo. Họ bổ trái dừa ra để đựng kem, phần nước dừa sẽ phục vụ kèm để uống tráng miệng sau khi ăn. Ở Sài Gòn cũng nhiều chỗ bán kem dừa, nhưng còn gì thích hơn là thưởng thức đặc sản tại chính nơi nó được sinh ra.
Sáng hôm sau cả nhóm dậy sớm, hẹn nhau 6 giờ có mặt tại bến tàu để ca nô chở qua hòn Bảy Cạnh. Từ đảo Côn Sơn ra hòn Bảy Cạnh mất khoảng 30 phút đi tàu.
Hôm mình đi trời hơi mù, nhưng may mắn không gặp thời tiết xấu.
Nếu Côn Đảo là nơi có nhiều rùa lên đẻ nhất Việt Nam thì hòn Bảy Cạnh chính là nơi nhiều rùa nhất nơi đây. Bãi cát cong, dài và sạch có vẻ là một nơi vô cùng phù hợp để những chú rùa “tịnh tâm” hoàn thành thiên chức của người mẹ.
Rùa biển sẽ đẻ vào tầm tháng 4 đến tháng 10 mỗi năm. Trong thời gian này, IUCN sẽ tổ chức khoảng 6 đợt tình nguyện, mỗi đợt kéo dài 12 ngày. Mình đi vào đợt 2. Lúc nhóm 2 tụi mình đến trạm kiểm lâm Bảy Cạnh cũng là lúc nhóm 1 bắt đầu về. Hai nhóm gặp nhau khoảng 30 phút để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ và bàn giao một số công việc.
Trưởng nhóm 1 đang kể về việc bị con bù mắt cắn đầy cả người. Con này chích ngứa giống mũi, nhưng nhỏ hơn nhiều và khó phát hiện. Nếu mọi người có ý định ngủ lại hòn Bảy Cạnh để coi rùa đẻ về đêm thì nhớ mang theo thuốc chống côn trùng nhé.
Thứ đầu tiên được nhóm một bàn giao lại: Nồi chè đậu xanh.
Một số tấm biển hướng dẫn được tô vẽ thủ công của nhóm 1. Nó vẫn chưa được hoàn thành xong. Nhóm mình có một anh là kiến trúc sư và một cô bé thiết kế nội thất, đây sẽ là nhiệm vụ của hai bạn này trong những ngày tới 😀
Sau khi ổn định, cả nhóm sẽ gặp gỡ và làm quen với những anh kiểm lâm ở đây. Tụi mình sẽ bắt đầu làm quen nhau chính thức, đồng thời thông nhất giờ giấc làm việc và sinh hoạt trong những ngày tới.
Buổi “họp khởi động”, đánh dấu cột mốc tụi mình sẽ sống ở đây trong phần thời gian còn lại của chương trình.
Kế đó, tụi mình được hướng dẫn cách đào một ổ trứng rùa “nhân tạo”. Nói rõ hơn về việc đào ổ này: Trứng rùa sau khi đẻ trong tự nhiên sẽ gặp rất nhiều nguy cơ, trong đó căng thẳng nhất là bị các loài động vật khác ăn hoặc bị con người lấy trộm. Nhiệm vụ cơ bản của tụi mình sẽ là tìm các ổ trứng tự nhiên, lấy trứng và di chuyển chúng vào các hồ ấp bên trong để bảo vệ kĩ lưỡng hơn.
Không phải muốn đào như thế nào là đào đâu. Tụi mình phải cố đào làm sao để “giả lập” thật giống với tổ rùa ngoài từ nhiên, từ kích thước cho tới hình dáng.
Những ổ nào đã chôn lấp trứng rồi sẽ được đánh dấu bằng các cây cọc tre này. Trên cọc sẽ có những thông số như ngày chôn, số lượng trứng, số thứ tự, tên người chôn,… Vì giới tính của rùa bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và nhiệt độ nên nếu tổ trứng nào được đẻ trong bóng râm thì phải chôn dưới bóng râm, tổ trứng nào đẻ ngoài vùng có nắng thì phải chôn đúng theo như vậy để đảm bảo rùa con đẻ ra có tỉ lệ giới tính giống với nở tự nhiên.
Phần thời gian ngoài công việc của tụi mình sẽ được cho sinh hoạt tự do. Nói là tự do nhưng cả nhóm phải ưu tiên hoàn thành xong những việc chung như lau quét nhà, nấu ăn, rửa chén,… trước rồi mới muốn làm gì thì làm.
Trừ những lúc buộc phải ở trong trạm thì đa phần thời gian của tụi mình đều dành ra ở ngoài bãi biển. Thậm chí đến cả ngủ trưa thì cả đám cũng rủ nhau ra biển ngủ.
Tầm sau 10 giờ sáng gần như không có bất kì ai ngoài tụi mình ngoài biển, cực kì sạch sẽ vì là khu bảo tồn và rất riêng tư. Biển ở Bảy Cạnh đẹp với bờ cát trắng, vắng lặng nhờ hai mỏm đất chìa ra áng gió thổi từ hai bên. Có thể nói được tắm và chơi ngoài biển mỗi ngày tại đây là một đặc ân của các tình nguyện viên tham gia chương trình này.
Tranh thủ sống ảo một tí 😀 nằm lười ngoài bãi cát xinh đẹp này, mình chỉ biết thán phục sao tự nhiên lại đẹp đến thế.
Đây là hình ảnh một bạn rùa xanh mẹ (Vích) vừa đẻ xong và đang chuẩn bị bò trở lại ra biển vào sáng sớm. Rùa biển sẽ bắt đầu lên bờ đẻ trứng vào buổi tối, đó cũng chính là thời gian bọn mình bắt đầu làm việc. Sau khi xuống biển, tụi mình sẽ dựa vào các vết bò của rùa để xác định đó là loại rùa biển nào, rùa xanh hay quản đồng, đồi mồi dứa,…
Sau khi tìm được chỗ đẻ phù hợp, rùa mẹ sẽ dùng cả tứ chi để đào bới, hạ thấp độ cao so với mặt cát. Khi đã hạ xuống độ cao thích hợp, nó sẽ tiếp tục dùng hai chi sau để đào lỗ và bắt đầu đẻ vào đó.
Rùa đẻ xong, tụi mình sẽ đảo tổ và lấy trứng lên, đếm rồi di dời vào trong trạm. Tụi mình làm đi làm lại việc này suốt cả đêm cho tới khi hết tổ. Nhiều khi rùa lên nhiều quá, nằm đào trên cát xong vào ngủ luôn, không còn sức để tắm lại.
Trung bình mỗi tổ trứng rùa sẽ có khoảng 80-100 trứng. Trong đợt mình đi, tổ ít trứng nhất là 45 trứng và tổ nhiều nhất là 193 trứng. Mình may mắn khi là người lấy trứng của cả hai chiếc tổ đặc biệt này.
Trứng rùa biển mất khoảng 1 tháng rưỡi để nở ra rùa con. Rùa con trong tự nhiên sẽ gặp rất nhiều sóng gió đầu đời. Để đạt tới độ tuổi trưởng thành, chúng sẽ mất khoảng 30 năm. Trong thời gian này, rùa con là những sinh vật yếu ớt, không có khả năng tự vệ và cũng không có bất kì một “người thân” nào bên cạnh để nương tựa. Trước khi bò ra được tới biển, chúng sẽ phải gặp hàng loạt những loài ăn thịt khác năm nhe như cua, chim biển, sứa, cá lớn,… Theo thống kê, chỉ có 1 trong số 1000 con rùa con có thể sống đến độ tuổi trưởng thành. Điều này lý giải vì sao loài vật này đang nằm trong diện cần bảo vệ của Sách Đỏ.
Ngoài công việc tìm và di dời trứng rùa, tụi mình còn giúp đỡ các anh kiểm lâm trong việc tổ chức và hướng dẫn các du khách đến Bảy Cạnh để thả rùa con về với tự nhiên.
Tầm 6 giờ rưỡi sáng mỗi ngày, việc đầu tiên là tụi mình sẽ chôn các cọc căng dây xuống cát và cột dây phân cách vào để khách xếp hàng đằng sau dây này. Những chiếc rổ trong nhìn là rổ đựng rùa con vừa nở trong sáng hôm đó để khách tới ngắm nhìn và thả cho chúng bò ra biển.
Rùa vừa đẻ xong sẽ được thả ngay về với biển trong ngày.
Từ rổ chứa tổng, tụi mình sẽ phân chia những chú rùa con này vào các rổ nhỏ cho du khách thả. Tuỳ vào số lượng rùa nở nhiều hay ít mà du khách sẽ được thả nhiều hay ít. Hôm nào ít rùa con thì buộc phải 2-3 khách thả một rổ.
Sinh linh nhỏ bé chuẩn bị được về với biển cả.
Sau khi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tụi mình sẽ bắt đầu cho đoàn khách xếp hàng để chuẩn bị thả rùa.
Chỉ cần nghiêng rổ, rùa sẽ tự động nghe “tiếng biển” và bò về hướng mà nó phải đi. Nhiều khách thấy rùa bò còn cược nhau xem con nào ra biển đầu tiên, con nào về đích cuối cùng 😀
Vẻ mặt vui tươi sau khi hoàn thành công việc buổi sáng.
Sau 30 năm, những chú rùa con (giống cái) sẽ trở về lại đúng nơi mà nó được sinh ra để tiếp tục đẻ trứng. Bằng một cách nào đó, rùa dù lưu lạc đi khắp các vùng biển nhưng vẫn sẽ luôn trở về nơi mà nó được sinh ra để làm tổ. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu rõ chính xác cơ chế nào khiến chúng có thể làm được điều ấy.
Hoạt động thả rùa này thu hút khá nhiều các bản nhỏ trẻ tuổi. Tiếp xúc với rùa con giúp các bạn hình dung được loài động vật mà không phải ai cũng có dịp được thấy này từ sớm. Từ đó sẽ hình thành tình yêu thiên nhiên và giúp nâng cao nhận thức về việc bảo tồn loài vật quý hiếm này.
Thêm một số hình ảnh rùa con được thả về biển khơi cho mọi người cùng xem.
Buổi tối phải lăn lê bò trườn trên cát để đào trứng, đến sáng lại đưa mặt ra nắng, thế nhưng không một chút nét mệt mỏi nào thể hiện trên khuôn mặt của những người bạn tham gia tình nguyện cả. Có lẽ họ biết rằng họ đang làm một việc ý nghĩa, và quan trọng hơn là các bạn ấy biết rằng xung quanh họ đều là những con người tử tế, cùng chí hướng đang tham gia vào công việc này.
Cái hay là tất cả mọi người, kể cả các bạn nữ, không ai dùng kem chống nắng vì hoá chất trong kem khi xuống biển sẽ ảnh hưởng đến san hô. Thế là cứ ngời ngời mặt ngoài nắng, kết quả là đi về ai cũng đen đi mấy tông. Yêu cái cách mọi người đặt lợi ít riêng thấp hơn mục tiêu chung.
Ngoài bãi biển Bảy Cạnh thì rùa cũng lên đẻ trứng ở một số khu vực lân cận. Các anh kiểm lầm sẽ định kì đi ca nô vòng quanh đảo để kiểm tra và lấy trứng về. Nhiều khi họ phải đi trong đêm, mãi đến sáng mới về lại bờ.
Xin dành một ít lời trong bài để cảm ơn những anh kiểm lâm. Những người âm thầm ngày đêm đóng góp công sức vào những việc to lớn. Các anh phải sống xa gia đình, xa ba mẹ, vợ yêu, con thơ, để sống ở một nơi thiếu thốn điều kiện đủ điều.
Phải có những ngày dấn thân, mình mới nhận ra cuộc sống xung quanh mình đang may mắn hơn nhiều người như thế nào. Tại Bảy Cạnh, nước phải lấy từ nước mưa, điện phải nhờ vào Mặt Trời, internet thì không thể nào so sánh được với ở thành thị. Những ngày mưa thì thiếu điện, sạc điện thoại không vô. Ngược lại những ngày nắng thì lại thiếu nước để tắm, nấu nướng hay giặt giũ. Dù chỉ ở 2 tuần, nhưng khi về mình đã có ngay thói quen tắt hết thiết bị khi không dùng và tiết kiệm nước sạch.
Tập yoga buổi sáng, cũng ngoài biển luôn.
Những buổi trưa bình yên. Không điện thoại, không máy tính, không lên mạng. Tất cả thứ mà tụi mình có chỉ là những cuộc trò chuyện với nhau, tận hưởng thiên nhiên, không khí trong lành, gió mát hây hây,…
Khung cảnh nên thơ thế này nên có vẻ như khiến ai cũng muốn “tuôn” chữ ra. Một anh tranh thủ giờ trưa nghỉ ngơi ra xích đu ngồi viết nhật ký.
Nhóm trưởng của nhóm mình đang làm bánh cam để mọi người ăn chiều lấy sức sau một buổi… đi tắm biển.
Nụ cười rất tươi của tất cả mọi người khi thấy rùa con đã được tự do vùng vẫy ngoài biển rộng.
Thấm thoát cũng tới ngày về. Rõ ràng không ai muốn chuyến đi này kết thúc sớm đến như thế.
Tụi mình trở về vườn quốc gia Côn Đảo ở đảo chính, làm lễ tổng kết và nhận giấy chứng nhận tham gia chương trình.
Với mình thì đây không chỉ là một giấy chứng nhận thông thường. Nó là bằng chứng cho tình cảm của tất cả những con người đã sống cùng nhau trong 12 ngày qua.
Cám ơn tất cả đồng đội vì một chuyến đi ý nghĩa và tuyệt vời!!!
Vậy đó, hành trình ở Côn Đảo của mình đã diễn ra theo một kịch bản hoàn hảo như thế. Để kể hết tất cả chi tiết và cảm xúc của chuyến đi thì chắc đến mai mất. Cám ơn anh em đã theo dõi bài viết đến cuối. Chúc anh em vui vẻ và quan tâm đến môi trường tự nhiên. Nếu muốn tham gia chương trình vào năm sau, mọi người có thể theo dõi trang Facebook bên dưới để canh ngày mở đợt đăng kí nhé. Tầm vào tháng 5 sẽ bắt đầu đó.
(Theo tinhte.vn)
adnzone515901.renderIframe();}else{parent.adnzone515901.renderIframe();}
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Thiện Lành Như Phật: Trung Thực Siêu Năng Lực
Sách tương tác
60.000đ
Ghim cài áo tràng 3D nổi Đức Phật Thích Ca...
Ghim cài áo
95.000đ
Ghim cài áo lá Bồ Đề Không cuốn Đức Phật...
Ghim cài áo
85.000đ
Thiện Lành như Phật: Đức Phật ở đâu?
Sách tương tác
59.000đ