Giảng viên, sinh viên cùng vào bếp làm bữa ăn cho bệnh nhi ung thư
Dù còn vài chục mét nữa mới đến nhà cô Lê Tường Vy nhưng chúng tôi đã nghe tiếng dầu sôi xì xèo và mùi thức ăn thơm lừng bay ra. Tiếng cười nói nhộn nhịp từ đằng xa khiến tôi tin chắc ngôi nhà đó là nơi của “Bếp sẻ chia – Nhóm lửa yêu thương”.
Cô Vy là giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cô cũng là người thành lập “Bếp sẻ chia – Nhóm lửa yêu thương”.
“Các bạn nhanh tay lên nhé, sắp 10 giờ rồi” – cô Vy vừa cầm khay cơm nóng hổi vừa nhắc nhở mọi người. Thức ăn khi vừa nấu xong sẽ được các thành viên nữ đóng gói cẩn thận, những bạn nam khỏe mạnh sẽ vận chuyển cơm và trái cây lên xe.
“Thực đơn hôm nay có thịt gà xào nấm, canh rong biển, rau luộc các loại và súp cua. Các bé là bệnh nhi ung thư nên sẽ có nhiều trường hợp không ăn được cơm. Phụ huynh có thể ăn cơm, còn súp thì dành cho các bé. Ngoài ra, với các bé quá nhỏ thì bếp sẽ gửi thêm hủ yến để bồi bổ” – cô Vy cho hay.
Tùy vào sức khỏe, thời gian truyền thuốc mà nhiều bé sẽ ăn trưa rất muộn. Cô Vy giải thích, nếu chọn loại gạo thông thường thì hạt cơm sẽ nhanh khô, khi cơm nguội rất khó ăn. Chính vì điều này mà nhóm quyết định chọn loại gạo tốt nhất là ST25, còn thức ăn sẽ để trong hộp riêng.
Em Nguyễn Hoàng Thục Nhi, sinh viên năm ba, Trường ĐH Luật TP HCM đã có hơn 1 năm gắn bó cùng Bếp sẻ chia. Cần thận đóng gói từng hộp thức ăn, Nhi bộc bạch: “Nấu ăn là chuyện rất đơn giản, nhưng nấu ăn cho các bé bệnh nhi cần phải rất cẩn thận. Nhìn các bé ăn ngon, phụ huynh vui mình cũng vui lây. Bỗng nhiên mình cũng ấm lòng và có động lực nhiều hơn”.
Đúng 10 giờ, chuyến xe yêu thương chở 300 phần cơm đi chuyển hơn 30 km từ TP Thủ Đức đến huyện Bình Chánh. Cùng lúc này, ở khoa Ung Bướu, bệnh viện Nhi Đồng TP HCM, phụ huynh đã bắt đầu xếp hàng để chờ lấy cơm trưa.
“Các bé điều trị ở khoa này, người nhẹ thì vài tháng, người nặng thì điều trị cả năm, vì vậy hầu như phụ huynh nào cũng nhớ lịch phát cơm. Hôm nào nấu xong trễ, 11 giờ chưa đến bệnh viện là phụ huynh gọi hỏi ngay” – cô Vy chia sẻ.
Vừa cầm được hộp súp cua trên tay, bà Tăng Thị Tuyết Nga, 62 tuổi bật khóc. Cháu nội nhập viện vì bệnh ung thư máu, 3 tháng qua bà Nga phải gói ghém mọi thứ để xoay sở tiền viện phí điều trị cho cháu trai. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, buổi trưa bà chỉ mua một phần cơm hoặc cháo, cháu ăn xong rồi bà mới ăn.
“Cầm hộp súp này về nhưng không biết cháu ăn hết hay không, mấy nay cháu vào thuốc nên người mệt, cháu ăn được muỗng nào thì tôi mừng chút đó. Lâu lắm rồi cháu mới được ăn súp cua, hộp súp thơm thế này chắc chắn cháu sẽ rất thích” – bà Nga tâm sự.
Sau khi phát cơm xong, cô Vy và các thành viên nhóm đến từng giường bệnh để hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân, hỏi xem cơm có hợp khẩu vị của mọi người hay không, tuần tiếp theo mọi muốn ăn món gì. Từng hành động nhỏ ân cần, khiến các bệnh nhân cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.
Ngoài nấu cơm, Bếp sẻ chia còn hỗ trợ chi phí điều trị, tặng quà dịp lễ, lắp tay chân giả cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Những nồi cháo, hộp cơm của bếp dần trở thành cầu nối giúp nhiều người biết đến và giúp đỡ các em bệnh nhi nhiều hơn, đồng thời lan tỏa hơi ấm yêu thương, những giá trị nhân văn đến mọi người.
(Theo nld.com.vn)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Thiện Lành Như Phật: Trung Thực Siêu Năng Lực
Sách tương tác
60.000đ
Ghim cài áo tràng 3D nổi Đức Phật Thích Ca...
Ghim cài áo
95.000đ
Ghim cài áo lá Bồ Đề 3D Đức Phật Thích...
Ghim cài áo
85.000đ
Vui Cùng Sen Sún: Tết Vui No Ấm
Sách tô màu
35.000đ