Giải pháp hỗ trợ đổi mới dạy và học trong trường tiểu học
Danh mục sách do Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện góp phần hỗ trợ việc phát triển văn hóa đọc, đổi mới cách tiếp nhận tri thức trong trường tiểu học hiện nay.
Thói quen đọc trong bối cảnh hiện nay
[…] Theo một nghiên cứu khác vào năm 2019 của nhóm nghiên cứu thị trường của Picodi thực hiện cuộc khảo sát người Việt mua sách và đọc sách: Người Việt không có thói quen mượn sách, số lượng người mượn sách từ thư viện chỉ chiếm khoảng 8% và 17% người Việt mượn sách từ bạn bè. 21% người tham gia khảo sát nói rằng họ không thích đọc sách cũng như không hề quan tâm đến sách. Picodi khảo sát 41 quốc gia về vấn đề mỗi người mua ít nhất 1 cuốn sách trong 1 năm thì việt nam đứng thứ 35 (3/2019).
Trích báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh thực hiện vào tháng 8/2020, phần đông giới trẻ sử dụng mạng xã hội (73%), Internet/các trang web (69%) và tivi (59%) là các nguồn thông tin tin cậy cho các sự kiện đương thời. Thông tin từ nguồn bạn bè (50%), báo chí (43%) và gia đình (39%) cũng phổ biến.
Trong nhóm đối tượng nghiên cứu cho biết Internet được họ chuộng hơn trong việc tìm kiếm thông tin các nguồn truyền thống như báo giấy. Thế hệ trẻ cũng sử dụng các nền tảng trực tuyến để học tập và phát triển kĩ năng mới – ví dụ, nghe sách nói (audiobook) hoặc đọc sách điện tử (ebook) và tìm bài học liên quan, hoặc nằm ngoài chương trình học ở trường, ưu tiên đọc sách trực tuyến hoặc thậm chí là lên YouTube để nghe sách nói và ít đọc sách giấy.
Tham khảo số liệu khảo sát của Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trong quý III năm 2022, trẻ em sử dụng mạng Internet ngày càng nhiều. Kết quả khảo sát cho thấy trong 3 tháng có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này, 87% sử dụng Internet hàng ngày. Trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5-7 tiếng/ngày vào mạng xã hội, trong đó có 36% trẻ em được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.
Báo cáo khảo sát “Niềm tin – Thói quen đọc trong giới trẻ tại TP.HCM” do Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6/2019, với 1.600 phiếu, trong đó bao gồm 400 học sinh cấp 1; 400 học sinh cấp 2; 200 học sinh cấp 3; 400 sinh viên đại học – cao đẳng và 200 phiếu dành cho phụ huynh và giáo viên. Báo cáo kết quả cho thấy ở độ tuổi tiểu học có 35% học sinh không thích đọc sách, 42% học sinh thích đọc sách và 23% ở mức độ thỉnh thoảng thích đọc sách (tương tự con số 16% – 36% – 48% đối với học sinh cấp 2).
Từ kết quả khảo sát nhóm nghiên cứu đưa ra nhận định đây là hai nhóm đối tượng cần được quan tâm đầu tư nhiều trong việc tạo lập cảm xúc yêu thích đối với việc đọc từ môi trường gia đình, nhà trường (ước tính tỷ lệ học sinh thỉnh thoảng đọc sách và yêu thích đọc sách ở cấp tiểu học là 65% và THCS là 84%).
Trước xu thế phát triển về công nghệ và các nền tảng mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều phương tiện để phục vụ nhu cầu giải trí, tìm kiếm thông tin; do vậy, thói quen đọc sách phần nào bị lấn át bởi những phương tiện giải trí khác.
Lâu nay đề cập đến việc phát triển văn hóa đọc, ta thường căn cứ vào số lượng sách được xuất bản trong năm đem chia cho tổng dân số Việt Nam để ra con số một người dân đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm để từ đó nhận định sức đọc của người Việt kém, giới trẻ ngày nay quay lưng với văn hóa đọc là nhận định còn mang tính cảm tính…
Phát triển văn hóa đọc nên bắt nguồn từ tạo lập niềm tin, thói quen đọc. Cần tạo dựng niềm tin cho người đọc rằng việc đọc là cần thiết, cho thấy lợi ích của việc đọc sách, tạo nên giá trị cá nhân, nâng cao tri thức, giúp ích cho việc học, công việc, giúp ích cho xã hội.
Thói quen đọc nên tạo dựng từ nhỏ và bắt nguồn từ trong gia đình, từ trong nhà trường một cách thường xuyên. Ngoài sách giáo khoa, học sinh nên đọc sách gì, đọc sách như thế nào vừa phục vụ việc học, vừa phục vụ cho việc nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển tri thức – đó là vấn đề mà gia đình, nhà trường và cả giới xuất bản cần quan tâm để cùng chung tay tạo lập nên thế hệ thích đọc sách trong tương lai.
“Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học”
Từ trăn trở làm thế nào để phát triển văn hóa đọc, làm thế nào để học sinh thích đọc sách, làm gì để học sinh thấy được lợi ích của việc đọc sách… năm 2019, Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng phía Nam đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các giáo viên, người làm công tác thư viện; khảo sát và gặp gỡ lãnh đạo của các trường tiểu học, trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại TP.HCM, Bình Dương… tạo tiền đề tổ chức nhiều tọa đàm về văn hóa đọc.
Thực tế khảo sát cho thấy, hiện nay hầu hết tại các thư viện, nguồn sách được trang cấp từ các nhà xuất bản được sắp xếp theo môn loại, hoặc số đăng ký cá biệt nên để xây dựng danh mục sách phù hợp theo môn học hoặc chủ đề, người làm công tác thư viện gặp không ít khó khăn trong việc phối hợp với giáo viên xem nội dung từng cuốn sách trong từng môn loại để tập hợp lại theo chủ đề của mỗi môn học.
Tiếp thu ý kiến từ nhiều giới chuyên gia để tìm giải pháp để giúp người làm công tác thư viện trong việc bổ sung tài nguyên thông tin hàng năm, hay giúp giáo viên chọn sách phù hợp trong công tác giảng dạy, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp tháo gỡ sự lúng túng của phụ huynh trong việc lựa chọn sách cho con.
Đồng thời, giúp nhà trường thuận lợi trong việc hình thành Danh mục sách theo chủ đề của mỗi môn học phục vụ cho việc dạy và học trong trường tiểu học; năm 2020, Hội Xuất bản Việt Nam, căn cứ theo khung Chương trình Giáo dục phổ thông – Chương trình Tổng thể được Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành năm 2018 và các văn bản quy định khác liên quan đến hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, đã lập Dự án tổng hợp từ nguồn sách khoảng 6.000 tựa dành cho thiếu nhi của hơn 30 đơn vị xuất bản trên cả nước.
Với sự hỗ trợ đọc, chọn lọc, phân loại và nhận xét từng tựa sách của các chuyên gia giáo dục và hơn 50 giáo viên tiểu học, có 965 tựa sách được tuyển chọn, sắp xếp đưa vào Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học theo môn học/chủ đề cấp tiểu học (gọi tắt Danh mục sách).
Danh mục sách đã đáp ứng yêu cầu thiết thực của thư viện nhà trường về trang bị các xuất bản phẩm theo chủ đề, môn học, lớp học cấp tiểu học, nhằm hỗ trợ việc dạy của giáo viên và việc đọc mở rộng của học sinh, để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Danh mục sách được sắp xếp theo từng chủ đề của mỗi môn học, từ lớp 1 đến lớp 5, bao gồm các môn Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên xã hội, Khoa học, Lịch sử – Địa lý, Tiếng Việt, Toán và Lịch sử địa phương TP.HCM. Mỗi tựa sách trong Danh mục sách được các giáo viên, chuyên gia giáo dục ghi đầy đủ ý kiến nhận xét về chuyên môn và nhận định đây là những cuốn sách có giá trị tri thức, khám phá khoa học, lịch sử, địa lý, toán học, văn học, truyện về đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… nội dung được kết hợp với tranh ảnh, hình vẽ phong phú, kiến thức gợi mở, phù hợp với học sinh theo từng lứa tuổi.
Sách trong Danh mục sách chọn lọc theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng.
Đọc sách theo chủ đề của các môn học góp phần nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng tài liệu trong thư viện. Xác định việc đọc bổ trợ cho việc học, đọc để hiểu biết nhiều hơn, đọc để học tốt hơn đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho các em đến với sách, giúp học sinh thấy được lợi ích của sách trong học tập, tạo lập được sự say mê và niềm tin đọc, góp phần quan trọng cho sự hình thành thói quen đọc sách, tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
Danh mục sách giúp người làm công tác thư viện hiểu rõ được chương trình dạy và học của giáo viên, học sinh; có một danh mục sách tham khảo được xây dựng theo từng môn học/lớp học, có nhiều tài liệu đa dạng, để bổ sung và cập nhật thêm vào danh mục theo môn học/lớp học của thư viện giúp hỗ trợ việc học tập cho học sinh và giảng dạy của giáo viên. Người làm công tác thư viện có cơ sở dự trù kinh phí, tham mưu với lãnh đạo nhà trường để có kế hoạch cập nhật, bổ sung tài liệu cho thư viện hàng năm.
Danh mục sách giúp giáo viên có thêm tư liệu cho bài dạy, sử dụng tài liệu trong danh mục phục vụ cho các tiết học thư viện hoặc tiết đọc sách trong thư viện. Danh mục khuyến nghị hỗ trợ dạy và học góp phần xây dựng thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc của học sinh trong nhà trường.
Cha mẹ học sinh có thể sử dụng Danh mục khuyến nghị hỗ trợ dạy và học để chọn sách trang bị hoặc bổ sung cho tủ sách dành cho con trong gia đình. Thông qua đó, mỗi ngày cha mẹ học sinh có thể đọc sách cùng con tại nhà, hướng dẫn con tìm kiếm những thông tin phù hợp với bài học; cùng con tìm hiểu, giải đáp thắc mắc qua những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với bài học, môn học.
Để chọn lọc được 965 tựa sách từ hơn 6.000 tựa sách của 30 đơn vị xuất bản đó là quá trình chọn lọc kỹ lưỡng, đọc và cho nhận xét của các giáo viên, chuyên gia; bên cạnh đó là lợi ích thiết thực trước hết là cho học sinh, sau đó là các giáo viên, người làm công tác thư viện, gia đình… Dự án Danh mục sách cũng đã thành lập website danhmucsach.vn phục vụ nhu cầu tìm đọc, tra cứu của các thầy cô giáo, người làm công tác thư viện, cha mẹ học sinh trong việc đồng hành cùng việc dạy và học của học sinh, góp phần cho việc phát triển thói quen đọc sách của trẻ từ nhà trường và trong gia đình.
Dự án “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” hình thành và sẽ tiếp tục cập nhật sách mới hàng năm đã góp một giải pháp cho việc xây dựng danh mục tài liệu phù hợp theo môn học, theo từng chủ đề, phục vụ cho việc dạy, học và phát triển văn hóa đọc của học sinh trong trường tiểu học.
Một số kiến nghị
1.Đối với Hội Xuất bản Việt Nam
– Cập nhật hàng năm Danh mục sách, tổ chức cho các giáo viên, chuyên gia đọc nhận xét và bổ sung những tựa sách mới vào danh mục sách.
– Kết nối với các cơ quan ban ngành chuyên môn, thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn nhằm phát triển việc học, việc đọc cho học sinh
– Tổ chức tập huấn giáo viên, người làm công tác thư viện sử dụng Danh mục sách trong quá trình dạy và học ở trường. Thường xuyên kết nối, gặp mặt, trao đổi cùng giáo viên, người làm công tác thư viện nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, phản hồi từ giáo viên đối với việc sử dụng danh mục sách trong quá trình giảng dạy.
– Tổ chức trưng bày, giới thiệu danh mục sách tại Đường sách TP.HCM và giới thiệu Danh mục sách trên website và các phương tiện truyền thông khác.
– Kết nối giữa các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học với các đơn vị xuất bản, công ty sách thiết bị trường học để giới thiệu rộng rãi danh mục sách đến với các trường như một tài liệu tham khảo khi chọn sách cho học sinh.
2. Đối với ngành Giáo dục và đào tạo
– Đề nghị ngành Giáo dục có chủ trương hình thành tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu chính thức. Cụ thể hoạt động tiết đọc tại thư viện bảo đảm tối thiểu 2 tiết/học kỳ/lớp, hoạt động tiết học tại thư viện bảo đảm tối thiểu 1 tiết/học kỳ/môn học hoặc liên môn (theo Thông tư 16).
– Đề nghị ngành Giáo dục có chỉ đạo tăng thêm các tiết đọc tại lớp trong các tiết tự học: 1 tiết/tuần, trong tiết đọc mở rộng: 1 tiết/ tuần của bộ môn tiếng Việt, lớp 1,2,3…
– Đẩy mạnh các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin (xuất bản phẩm) của các nhà xuất bản. Ngành xuất bản cần hợp tác với ngành giáo dục để xây dựng Danh mục tài liệu (xuất bản phẩm) theo chủ đề, môn học, lớp học để làm giải pháp nền tảng phục vụ cho việc đổi mới dạy và học có dùng tài liệu xuất bản hiện nay.
3. Đối với các đơn vị xuất bản
– Danh mục sách với 965 tựa (sẽ được tiếp tục bổ sung) là tài liệu tham khảo về nguồn sách giúp người làm công tác thư viện chọn sách bổ sung theo kế hoạch hàng năm của nhà trường. Việc tham khảo Danh mục này giúp người làm công tác thư viện không lúng túng khi chọn sách, nội dung sách phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời giúp giáo viên, học sinh dạy và học chủ động khi có nguồn sách phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hiện còn rất nhiều chủ đề môn học, lớp học vẫn thiếu nhiều sách. Do vậy, đây sẽ là cơ hội để các đơn vị xuất bản nắm bắt, khai thác để có định hướng xuất bản phù hợp, phục vụ cho nhu cầu dạy và học các cấp, đặc biệt là cấp tiểu học.
– Các đơn vị xuất bản có thể tham gia Dự án Danh mục sách, gửi sách mẫu theo hướng dẫn (theo môn, lớp, chủ đề) để Hội Xuất bản tiến hành mời đọc nhận xét và chọn sách đưa vào Danh mục sách.
– Đối với các đơn vị đã tham gia dự án Danh mục sách: thường xuyên cập nhật lượng tồn kho, cập nhật kế hoạch xuất bản, tái bản của các tựa sách đã tham gia.
– Trước sự phát triển của công nghệ hiện nay cũng như xu thế quan tâm tìm đọc của bạn đọc đối với các thiết bị công nghệ, mạng xã hội trong đó, giới trẻ đặc biệt là trẻ em cũng không nằm ngoài xu thế, do vậy, các đơn vị xuất bản sách cho trẻ em cũng nên chú trọng và phát triển mảng sách điện tử, sách nói, kết hợp với các ứng dụng giáo dục để góp phần đưa sách đến gần hơn với học sinh qua nhiều kênh, không chỉ là sách giấy.
Trên đây là một số ý kiến tổng thuật từ thực tế thực hiện Dự án Danh mục sách mà Hội Xuất bản Việt Nam đã giao cho Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện trong những năm qua, góp một giải pháp cho việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là đối với cấp tiểu học.
(Theo Zingnews)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Ghim cài áo Lá Bồ đề cao cấp 3D nổi...
Ghim cài áo
85.000đ
Vui cùng Sen sún: Rước Đèn Trung Thu
Sách tô màu
30.000đ
Sắc màu của bụt: Hành Trình Đi Tìm Đức Thế...
Sách tô màu
145.000đ
Ghim cài áo lá Bồ Đề Không cuốn Đức Phật...
Ghim cài áo
85.000đ