Em bé 6 tuổi ước dành 24 giờ mỗi ngày để đọc sách vì “ngủ thật lãng phí thời gian”
Để con có niềm đam mê với việc đọc sách, chị Hoa đã bật mí một vài bí quyết cho các mẹ.
Cô bé Hina (6 tuổi) hiện đang sống cùng gia đình tại Nhật Bản. Chị Hoa, mẹ của Hina cho biết con gái là người cực kỳ mê sách. Hina tâm sự với mẹ “Nếu có một điều ước thì con ước con không cần ngủ nhưng vẫn khỏe mạnh để dành hết thời gian 24h đọc thật nhiều sách. Ngủ thật lãng phí thời gian mẹ nhỉ”. Câu nói của con gái khiến chị Hoa bất ngờ, dù con nhỏ nhưng cô bé đã có suy nghĩ rất trưởng thành.
Hina là em bé yêu thích đọc sách cả 3 ngôn ngữ Nhật – Anh – Việt. Hina biết đọc sách từ rất sớm, sớm nhất là tiếng Nhật bạn ấy biết đọc từ lúc hơn 2 tuổi, 3 tuổi đọc được sách tiếng anh và tiếng Việt. Tổng số sách của Hina hiện tại cả 3 loại ngôn ngữ trên 1.400 quyển, gồm nhiều lĩnh vực.
Nhiều mẹ tâm sự không biết làm cách nào để một em bé nhỏ xíu có thể mê sách đến như thế. Chi Hoa chia sẻ ngay từ nhỏ đã tạo môi trường và thói quen đọc sách cho Hina nên con rất yêu sách. Theo chị Hoa, việc hình thành thói quen từ nhỏ sẽ dễ hơn rất nhiều so với khi bé đã lớn. Sách là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực cuộc sống mà nhân loại đã tích góp trong suốt quá trình nghiên cứu, phát triển. Vì vậy, việc tiếp thu nguồn tri thức khổng lồ có sẵn ấy giúp trẻ dễ dàng có thêm nhiều “kiến thức” có lợi trong quá trình học tập, nhận thức và cả công việc sau này của bé.
Ngoài việc rèn luyện cho con yêu đọc sách bố mẹ cũng đừng quên việc nên đưa bé ra thế giới bên ngoài để bé có nhiều trải nghiệm, học hỏi thực tế về thế giới xung quanh, để bé có cách nhìn và so sánh cân bằng giữa kiến thức thật tế và kiến thức bé học hỏi được từ sách, từ đó giúp bé nhớ lâu hơn, và đọc sách thêm thú vị hơn.
Và dưới đây là một số bí quyết của bà mẹ trẻ, hy vọng sẽ có ích cho các bậc phụ huynh nhé.
1. Kệ sách đặt những quyển sách phù hợp với bé
Mua các kệ sách vừa tầm với của bé, chọn những quyển sách phù hợp với độ tuổi, sách hình ảnh bắt mắt. Các bé tầm 0-2 tuổi ưu tiên sách nhiều hình ảnh, ít chữ, chọn nhiều sách bìa giấy cứng hơn để bé dễ lật mở và cũng hạn chế việc rách sách. Chúng ta cũng không nên quá sợ bé xé sách mà không mua thêm các loại sách giấy mỏng hơn. Tuy không khuyến khích nhưng hành động xé sách để trải nghiệm học hỏi trong quá trình phát triển của con là tất yếu, bố mẹ không nên la mắng trẻ, ngược lại hãy hiểu tâm lý và sự phát triển của trẻ để tạo môi trường cho bé phát triển tốt hơn.
2. Chọn không gian đọc sách trong nhà phù hợp, thoải mái
Góc đọc sách là nơi bé thường xuyên có mặt để thời gian tiếp xúc với sách thật nhiều nhất có thể. Thật sự không gian đọc sách rất quan trọng, giúp bé chìm đắm trong những quyển sách một cách nhẹ nhàng và thoải mái, tránh chỗ đi ra đi vào nhiều gây gián đoạn việc đọc sách của bé.
Các bé từ 0-2 tuổi thì nên chọn sàn nhà rộng rãi để bé dễ dàng ngồi đọc hay lật mở và bố mẹ cũng dễ dàng đọc sách cho con hơn. Khi con lớn hơn chút có thể đặt một cái ghế sofa kèm thêm bộ bàn ghế nhỏ của bé, ghế sofa mình thấy rất hữu ích giúp bé ngồi đọc tư thế thoải mái, dựa lưng đọc, có khi quay người đổi tư thế vì đọc trong thời gian dài cơ thể sẽ mệt mỏi. Bàn học nhỏ giúp bé cần đến khi ngồi đọc, ghi chép, tra cứu những quyển sách to nặng… Tôn trọng thời gian đọc sách của bé, hạn chế nói chuyện quá lớn tiếng, ảnh hưởng đến sự tiếp thu của con.
3. Mở nhạc không lời nhẹ nhàng
Chọn bản nhạc nhẹ nhàng với âm lượng nhỏ, sẽ giúp thư thái hơn để đọc sách một cách thoải mái tư tưởng nhất. Ngoài ra, nhạc không lời cũng giúp bé học tốt hơn nhờ điệu nhạc nhẹ nhàng.
4. Chọn sách theo sở thích của con
Các bé 0-1 tuổi, bố mẹ chỉ cần chọn sách phù hợp theo độ tuổi của bé là được, cũng trong giai đoạn này càng đa dạng loại sách càng giúp bé làm quen nhiều loại sách nhiều lĩnh vực càng tốt. Bé nghe nhiều sách giúp bé ghi nhớ nhiều từ ngữ, vốn từ cũng phong phú hơn. Đây cũng là giai đoạn phát triển ngôn ngữ của con nên bé sẽ hoạt ngôn, hiểu biết nhiều hơn khi bé biết nói. Giai đoạn này hình thành sự yêu sách sau này nên bố mẹ cùng cố gắng đồng hành tốt cùng con.
Với các bé chưa có thói quen đọc sách và mới bắt đầu bố mẹ nên chọn sách theo sở thích của bé, ví dụ bé thích công chúa thì mẹ đầu tư dòng sách đó cho bé, hoặc bé yêu thích động vật thì mua cho bé đủ các loại sách có động vật…
Khi bé đã quan tâm đến sách thì mở rộng thêm dần dần các lĩnh vực cho bé. Ví dụ bé yêu thích động vật, bố mẹ thu xếp thời gian để con tiếp xúc trực tiếp với các loài động vật như đi chơi ở các khu sở thú và có thể mang theo sách để cùng bé khám phá các loài có trong sách cũng có trong sở thú, điều này tạo sự liên kết thực tế giúp bé thích thú và học hỏi nhanh hơn…
Khi bé tầm 3 tuổi trở đi, mẹ nên bổ sung những quyển sách về các nguyên tắc, quy tắc, cách ứng xử trong cuộc sống để giúp bé hình thành lối sống và hành vi ứng xử đúng đắn, lành mạnh.
5. Có mặt mọi lúc mọi nơi khi bé cần đọc sách
Bé bỗng nhiên thích mẹ đọc cho quyển sách nào đó thì dù mẹ có bận mấy cũng cố gắng dừng lại để cùng con đọc sách.
Nhiều lúc các mẹ sẽ nghĩ không đọc được lúc này thì tí nữa mẹ đọc cho con có sao đâu. Nhưng với các bé, khi không được đáp ứng trong khoảng thời gian đó thì có thể con sẽ bị dập tắt sự thích thú một cách dễ dàng.
Mỗi lần bé nhờ mẹ đọc mà mẹ đáp ứng được nhu cầu đó của con cũng giúp bé hiểu rằng mẹ luôn đồng hành cùng con. Điều này cũng giúp mẹ con có thời gian yêu thương khi ở bên nhau hơn.
6. Cả nhà cùng đọc sách trong một thời gian cố định
Như nhà mình thường sau khi ăn tối xong là cả nhà có mặt đông đủ và cùng đọc sách trong khoảng thời gian này. Cứ sau bữa ăn khoảng 5-10 phút, cả nhà mình cùng đọc 1 quyển sách cùng Hina. Có thể bố đọc cho Hina còn mẹ ngồi bên cạnh cùng xem và nghe. Hoặc mẹ đọc Hina và bố ngồi bên cạnh. Khi bé đọc một mình thì bố và mẹ cũng ngồi đọc quyển sách mình yêu thích.
Hành động lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hình thành nên thói quen, từ đó thói quen đọc sách của bé sẽ không sớm thì muộn cũng hình thành.
Theo tác giả quyển sách điều khiển tâm lý học của Maxwell Maltz thì hành động lặp đi lặp lại trong vòng 21 ngày sẽ tạo thành lối mòn trên não bộ và tạo ra thói quen. Mình nghĩ cũng tùy theo mỗi cá thể, sự tác động thì việc hình thành thói quen dài ngắn khác nhau, nên các mẹ cũng không quá nôn nóng khi chưa nhìn thấy thói quen này của bé. Hãy cứ cố gắng đồng hành mỗi ngày giúp bé hình thành thói quen và đam mê đọc sách nhé. Đồng thời khen ngợi khuyến khích cả khi con đọc được ít thôi nhé.
7. Tóm tắt nội dung
Sau mỗi câu chuyện trong quyển sách mà bố mẹ đọc cho, hoặc bé tự đọc, mẹ khuyến khích bé nói lại nội dung quyển sách mà bé đã nhớ (không nên tạo áp lực mà chỉ cần bất cứ gì bé nói cũng được). Khi bé lớn lên thì việc nắm bắt nội dung trong một đoạn văn là rất quan trọng, như giờ Hina 6 tuổi sau khi đọc xong mô đoạn nào đó là bạn ấy có khả năng tóm tắt nội dung rất tốt luôn.
“Trên đây là những chia sẻ của cá nhân mình trong quá trình đồng hành với Hina, hy vọng chia sẻ này giúp ích cho các bạn nhé. Chúc cho các bé có niềm đam mê với việc đọc sách mỗi ngày”, chị Hoa chia sẻ.
(Theo phunuvietnam.vn)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Ghim cài áo Lá Bồ đề cao cấp 3D nổi...
Ghim cài áo
85.000đ
Thiện Lành như Phật: Lắng nghe điều kỳ diệu
Sách tương tác
60.000đ
Ghim cài áo tràng 3D chìm Đức Phật Thích Ca...
Ghim cài áo
85.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Khỉ Con Tốt Bụng
Sách tương tác
25.000đ