Cho rác thải nhựa một cuộc đời mới cùng Dr. Plastic
Ô nhiễm rác thải nhựa được xem như một trong những mối đe dọa chính tới môi trường.
Uớc tính rằng vào năm 2050, thậm chí sẽ có nhiều rác thải trên biển hơn cả số lượng cá. Các bờ biển tuyệt đẹp của Việt Nam cũng đang dần xuống cấp do rác thải nhựa không được xử lý nằm ngổn ngang trên bãi biển. Dù lực lượng những người thu gom phế liệu vẫn chăm chỉ làm ngày đêm với một tốc độ đáng nể phục, rác thải từ các sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn nằm rải rác trên các vỉa hè quanh thành phố Hà Nội. Gần đây, các báo cáo cũng chỉ ra rằng khu tập kết rác Nam Sơn ở quận Sóc Sơn, nơi chứa hầu hết rác thải của thành phố cũng đang gần hết chỗ chứa thêm rác.
Đây có vẻ như là một vấn đề nan giải mà chúng ta vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động môi trường tại Hà Nội đang cố gắng để đưa ra giải pháp cho vấn đề này với nhiều sáng tạo độc đáo. Ben Baron và anh Phạm Minh Đức là hai trong số đó. Cả hai đã cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại ô nhiễm rác thải nhựa bằng cách thành lập ra Dr. Plastic. Sáng kiến của bộ đôi tập trung vào các giải pháp thực tế và mới được triển khai vào năm 2020 với những mục tiêu rất cụ thể: giáo dục mọi người về vấn đề ô nhiễm môi trường và tái chế, thay đổi suy nghĩ cộng đồng và làm tăng giá trị của rác thải nhựa. Họ cũng đặt mục tiêu hỗ trợ những người muốn tham gia các chiến dịch vì môi trường nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Ben và anh Đức gặp nhau qua một diễn đàn về vấn đề ô nhiễm toàn cầu. Anh Đức, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, đã chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của xu thế sử dụng đồ nhựa tại Việt Nam trong những năm gần đây và mong muốn đóng sức mình để giải quyết thực trạng này.
Khi đang dạo qua một diễn đàn trên trang web Precious Plastic, anh Đức nhìn thấy hình ảnh lá cờ Việt Nam nhỏ ở dưới tên của Ben và từ đó tình bạn của cả hai bắt đầu. Cả hai đều từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành môi trường và cả hai đã có những lần chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu và cuối cùng là hợp tác với nhau để cho ra mắt Dr. Plastic. “Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới gặp khó khăn về vấn đề tái chế”. Anh Đức chia sẻ với Saigoneer, “nên chúng tôi nhìn sang châu Âu và các quốc gia phát triển khác để xem những giải pháp thực tế cũng như những nghiên cứu của họ.”
“Chúng tôi muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về rác thải nhựa. Đó chính là lý do chúng tôi bước vào công cuộc này,” hai anh chia sẻ về mục tiêu của Dr. Plastic khi cùng chúng tôi dạo bước qua xóm Bắc Cầu, một dự án vườn cây công cộng xanh mát nằm ở ven rìa Bắc Cầu, ngay phía Đông Hà Nội. Chúng tôi đi đến một cửa hàng nhỏ với rất nhiều các máy móc khác nhau được bộ đôi này tìm mua hoặc tự lắp đặt để biến giấc mơ của họ thành hiện thực. Mục tiêu của họ là tái chế những sản phẩm nhựa mà mọi người quen tay vứt bỏ. “Chúng tôi thấy khả năng tái sử dụng những sản phẩm này; chúng xứng đáng nhiều hơn nhãn mác ‘sản phẩm dùng một lần’. Nhóm tập trung vào những loại nhựa mà thông thường người thu mua phế liệu không mua hoặc lượm nhặt, ví dụ như túi ni lôn, cốc sữa chua, v.v.” anh chia sẻ. “Chúng tôi cố gắng tái chế các loại nhựa này và cho chúng thêm giá trị và cuộc đời mới.”
Bộ đôi rất nhiệt tình cho chúng tôi xem xưởng của họ và diễn giải từng chi tiết. Những sản phẩm được làm từ nhựa HDPE, như chai dầu gội đầu hoặc cốc sữa chua, phải được nghiền vụn ra thành những miếng nhỏ trước khi đun nóng và đổ vào các khuôn. Quy trình sản xuất này có thể cho ra đời rất nhiều sản phẩm khác nhau với đa dạng các hình dạng. Dr. Plastic cũng đang thực hiện dự án xây dựng một khu leo núi nhân tạo với các bức tường làm từ nhựa tái chế. Mỗi mấu bám tường sẽ được làm từ khoảng 30 hộp nhựa và 50 túi ni lông.
Những sản phẩm khác bao gồm cả những miếng lót cốc làm từ chai nhựa đun chảy, những chiếc ví làm từ túi ni lông, và các huy hiệu để các giáo viên có thể tặng thưởng học sinh. “Chúng tôi rất yêu thích những huy hiệu này,” Ben chia sẻ. “Những huy hiệu được trao cho trẻ em, các em có thể sử dụng như tiền hoặc sưu tầm, trân trọng, bảo quản chúng và đổi những phiếu thưởng này lấy thứ gì đó các em thích. Những miếng nhựa từng được vứt bỏ giờ đây mang một ý nghĩa thật khác.”
Nhưng Dr. Plastic cũng gặp rất nhiều khó khăn, ít nhất là họ hiểu rằng những công việc mình đang làm chỉ là một giọt nước nhỏ bé giữa biển cả. Để có thể lắp đặt máy móc và có tài chính cho dự án thật sự không phải là một điều dễ dàng. Hơn thế nhiều người không muốn mất công sức phân loại, thu gom rác và gửi về Dr. Plastic; vứt rác đã trở thành một thói quen thuận tiện hơn nhiều.
Thực tế quy trình tái chế rác.
Đó chính là lý do tại sao việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ mà Dr. Plastic tập trung thực hiện. Đã có một số nhóm học sinh tới thăm quan xưởng sản xuất để xem những sản phẩm mới được tạo ra từ chính rác các em vứt đi và nhìn thấy hằng ngày. Bộ đôi mong muốn tạo ra sự kết nối mang tính giáo dục nhằm tạo động lực để thế hệ trẻ quan tâm hơn tới vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Thông qua việc bán sản phẩm qua các kênh phân phối và trưng bày tại gian hàng, Ben và anh Đức mong rằng sẽ tích cóp đủ vốn để có thể mua được những máy móc lớn hơn và tái chế được nhiều nhựa hơn nữa, đồng thời tạo ra thêm những mặt hàng phong phú để bán.
Những sản phẩm được Dr. Plastic tạo ra từ nhựa đã qua sử dụng: móc đa năng (trái) và mấu nhựa cho hoạt động leo núi nhân tạo (phải).
Những miếng huy hiệu, phiến khen có thể sử dụng trong giảng dạy (trái) và miếng lót cốc (phải).
Dr. Plastic đã cho chúng ta một cơ hội để cùng góp sức vào công cuộc giải quyết vấn nạn rác thải nhựa của Hà Nội nói riêng cũng như của toàn cầu nói chung. Không quan trọng đóng góp của bạn trong công cuộc tái chế là lớn hay nhỏ, điều quan trọng nhất là đó là một bước đi đúng hướng. Chắc chắn mỗi chúng ta cần tiếp tục giảm thiểu xả rác mỗi ngày, trong khi đó, những người tiên phong như anh Đức và Ben vẫn đang có những nỗ lực tuyệt vời để xử lý lượng rác thải mà chúng ta khó có thể cắt giảm.
Hiện tại anh Đức và Ben đang thu nhận nhựa từ một số trường học và tổ chức. Các cá nhân cũng có thể tự mang rác thải nhựa của mình tới Viet Climb (40 ngõ 76 An Dương), cửa hàng Green Gem(587 Lạc Long Quân, Tây Hồ) hoặc trực tiếp tới khu vực vườn cộng đồng xóm Bắc Cầu (1 ngõ 404 Bắc Cầu, Long Biên). Dr. Plastic thu gom và tái chế các loại nhựa sau: HDPE (hãy tìm số “2” trên các sản phẩm như vỏ chai dầu gội, nước giặt hoặc chai xà phòng và hộp sữa chua), LDPE (bao gồm túi ni lông và áo mưa), và PP (hãy tìm số “5” trên những hộp đồ ăn mang đi, đĩa và dao dĩa nhựa).
(Theo saigoneer.com)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Giải Cứu Bạn Thân
Sách tô màu
25.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Lời Thì Thầm Của Gió
Sách tô màu
25.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Hạt Giống Từ Bi
Sách tô màu
25.000đ
Thiện Lành như Phật: Lắng nghe điều kỳ diệu
Sách tương tác
60.000đ