Chỗ ăn trưa miễn phí cho người khó khăn, dân cùng góp gạo ở TP.HCM
Hơn 2 năm qua, một bếp ăn 0 đồng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã phục vụ hàng chục nghìn suất cơm miễn phí cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Bếp ăn 0 đồng có diện tích khoảng 150 m2 với không gian thoáng mát, sạch sẽ. Khu bếp, khu ăn uống, khu dọn dẹp vệ sinh được phân chia rõ ràng. Khi chúng tôi tới, bếp đã bày biện sẵn cơm, canh, đồ ăn đợi bà con. Mọi người tự lấy từng phần ăn của mình, ăn bao nhiêu sẽ lấy bấy nhiêu.
Ông Đặng Hoàng Nguyên (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Sen Việt, thuộc Hội Chữ thập đỏ Q.Bình Thạnh), đơn vị thành lập bếp ăn, cho biết từ đợt dịch Covid-19 có 6 bếp ăn miễn phí cho mọi người. Sau đợt dịch, tình hình kinh tế của nhiều người còn khó khăn nên một cơ sở vẫn tiếp tục duy trì. “Quán được sửa sang và dọn dẹp mỗi ngày cho sạch sẽ để mọi người đều thấy thoải mái. Mọi người nói cơm vừa ngon, vừa gần gũi. Tôi rất vui vì điều này chứng tỏ quán dù được bán với giá 0 đồng nhưng mọi người không thấy ngại”, ông Nguyên cho biết.
Câu ông Nguyên thường nói với mọi người là: “Nhớ đến ăn nha, tết tôi sẽ tặng lịch cho bà con” khiến ai cũng vui lòng.
Trước đây, quán thường phục vụ món chay nhưng gần đây xen kẽ thêm những ngày mặn để mọi người đỡ ngán. Thực đơn cũng thay đổi mỗi ngày. Chi phí thực hiện bếp ăn do gia đình, bạn bè thân thiết của ông Nguyên cùng nhiều người hảo tâm đóng góp. Những nhân viên ở bếp ăn là thành viên trong Hội Chữ thập đỏ. Nhiều người khác thấy bếp ăn ý nghĩa nên cũng nhiệt tình giúp đỡ, phục vụ khoảng 70 – 100 suất/ngày.
Nhiều người góp gạo, góp rau
Bà Nguyễn Thị Tâm (51 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) bán hàng rong, thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Bà phải lo đóng tiền trọ và nuôi con học đại học nên bếp ăn 0 đồng là địa chỉ bà thường xuyên tới. “Sáng giờ tôi chưa ăn nên buổi trưa rất đói, có cơm mọi người nấu tặng là tôi vui rồi. Bữa nào tôi bán được thì bỏ nhiều ở thùng từ thiện, bữa nào bán được ít sẽ bỏ ít hơn. Tôi rất cảm ơn tấm lòng của mọi người ở bếp, ai ai cũng nhiệt tình”, bà Tâm nói.
8 giờ sáng, bà Thanh Thúy (51 tuổi), bếp trưởng của quán, đi chợ mua nguyên liệu và chế biến món ăn. Bà gắn bó với bếp ăn từ ngày thành lập. Hằng ngày, bà cùng mọi người phân chia công việc, cố gắng làm nhanh để kịp có cơm đúng giờ cho người nghèo, không để họ phải đợi lâu. “Tôi thấy nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn, cực khổ mưu sinh kiếm miếng cơm hằng ngày nên bếp ăn sẽ là nơi giúp đỡ cho họ được phần nào. Ở đây, mỗi người một công việc riêng nhưng đều tranh thủ thời gian đến bếp phục vụ mọi người. Buổi chiều tôi về bán hàng, tất bật từ sáng đến tối nhưng thấy bà con khen ngon là thấy vui, ấm lòng”, bà chia sẻ.
Bà Thúy cũng vô cùng xúc động khi thấy những người đem từng bao gạo, mớ rau trong vườn đến ủng hộ bếp. Mỗi khi đi chợ, các tiểu thương biết bếp nấu ăn cho người nghèo nên bán với giá rẻ hơn. “Nhiều người nhịn ăn sáng để đợi đến trưa được ăn cơm miễn phí nên tôi rất thương. Hy vọng bếp sẽ được duy trì lâu dài để người khó khăn, người già neo đơn có chỗ ăn trưa miễn phí”, bà Thúy nói.
Ông Lê Công Toại, Ban Công tác mặt trận KP.5, P.25, Q.Bình Thạnh, cũng đến bếp nhận 10 suất ăn để phát cho những cụ già neo đơn trong khu phố. “Bếp ăn 0 đồng rất có ý nghĩa với người nghèo, người cơ nhỡ. Chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ để mọi người cùng biết đến và dùng cơm trưa miễn phí”, ông Toại cho hay.
(Theo báo Thanh Niên)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Vui Cùng Sen Sún: Bông Hồng Cài Áo
Sách tô màu
28.000đ
Hộp Hoan Hỷ
Hộp quà trẻ em
60.000đ
Vui cùng Sen sún: ngày Phật ra đời!
Sách tô màu
28.000đ
Thiện Lành như Phật: Lắng nghe điều kỳ diệu
Sách tương tác
60.000đ