Ảnh hưởng của Phật giáo nhập thế đối với nền giáo dục Đài Loan nhìn từ hoạt động sinh hoạt đọc sách trong các Tự viện
Cùng với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, bằng việc truyền bá và vận dụng tư tưởng của Phật giáo nhập thế vào trong đời sống và giáo dục, Đài Loan đã thành công trong việc cân bằng và phát triển song song giữa kinh tế, văn hóa và đạo đức xã hội. Có được bước tiến đó không thể không kể đến vai trò của Tinh Vân Đại sư trong việc nỗ lực truyền bá tư tưởng Phật giáo nhập thế vào trong đời sống nhân sinh, nhất là trong giáo dục. Ông đã đề ra khẩu hiệu: “Tự viện bản thổ hóa, Phật pháp sinh hoạt hóa, tăng tín bình đẳng hóa, sinh hoạt thư hương hóa”[1]. Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh: “Tự viện hóa trường học” với mong muốn các chùa chiền, tự viện không chỉ là nơi để các tín chúng an tâm lập mệnh, các Phật tử thỏa ước đức tin mà thông qua kinh sách, giúp cho mọi người hiểu đúng về bản chất của Phật pháp, khiến cho Phật pháp có thể ứng dụng vào trong cuộc sống. Đặc biệt hơn, thông qua hoạt động đọc sách nhóm, có thể khiến những giáo lý kinh điển của Phật giáo bước ra khỏi trang sách khô cứng và thực hiện các chức năng văn hóa, giáo dục của mình đối với xã hội.
Bài viết đi sâu phân tích khởi nguồn tư tưởng, nguyên lý giáo dục của hoạt động sinh hoạt đọc sách nhóm, đồng thời chỉ ra cách thức tổ chức các hoạt động sinh hoạt đọc sách ở các tự viện ở Đài Loan. Từ đó, phân tích tác dụng và ảnh hưởng của các hoạt động sinh hoạt đọc sách đối với nền giáo dục quốc dân và đạo đức xã hội cũng như ảnh hưởng của Phật giáo nhập thế đối với nền giáo dục quốc dân Đài Loan.
- Khởi nguồn tư tưởng đẩy mạnh hoạt động đọc sách nhóm trong các tự viện ở Đài Loan
1.1. Những âu lo trước một thế giới và thời đại đầy biến động
Thế kỷ 21 là thế kỷ của toàn cầu hóa. Đây cũng là giai đoạn mà nhân loại phải đối mặt với những thay đổi lớn trên các phương diện như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo,… Những biến đổi có tính vĩ mô này, ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ, tính cách, hành vi và lối sống của con người đương đại. Thậm chí, nó còn khiến cho tính cách, đạo đức con người không ở trạng thái tĩnh mà luôn trong trạng thái động. Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường cũng góp phần khiến cho ý thức tự chủ của con người ngày càng cao. Con người với ý thức là một cá thể độc lập luôn đặt cảm nhận cá nhân lên trước. Họ không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Tất cả những biểu hiện đó được gọi là “chủ nghĩa thực dụng”. Điều đáng ngạc nhiên là, chủ nghĩa thực dụng đối với một bộ phận không nhỏ con người đương đại lại không phải là một khái niệm có tính cực đoan mà nó còn đang trở thành một giá trị hiển nhiên khiến họ sùng bái và theo đuổi.
Quá trình toàn cầu hóa với nền kinh tế thị trường tuy khiến cho quyền lợi và nhu cầu vật chất cá nhân của con người được tôn trọng và bảo vệ, song khi những lợi ích cá nhân luôn được đặt lên hàng đầu thì sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột về mặt đạo đức xã hội và sự xuống cấp trong hành vi, lối sống và tính cách. Ví dụ: Nó tạo nên một lớp người luôn đặt nặng giá trị vật chất và lợi ích cá nhân, họ xem nhẹ giá trị tình cảm giữa con người với con người. Thậm chí, họ sẵn sàng thấy lợi quên nghĩa. Chính vì thế, lối sống sùng bái chủ nghĩa vật chất ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại Đài Loan.
Nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa dù có thể thúc đẩy xã hội loài người tiến bộ nhưng những tiến bộ đó đa phần nghiêng về các giá trị của đời sống vật chất. Rất khó để chứng minh đời sống tinh thần, tình cảm, đạo đức xã hội của con người cũng song song cùng tiến bộ. Khi một cộng đồng đặt lợi ích vật chất lên hàng tối thượng, thì song song với nó sẽ phải trả một giá rất đắt cho sự suy giảm đạo đức xã hội và tình người. Điều này đã được thực tiễn chứng minh. Vào cuối những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, hiện tượng cha mẹ, anh em, con cái mâu thuẫn tranh giành nhau tài sản xảy ra vô cùng phổ biến trong xã hội Đài Loan. Vì tiền bạc, của cải phân chia không đều, người ta có thể cắt đứt tình thân máu mủ, thậm chí chém giết lẫn nhau. Những hiện tượng đó như một câu hỏi lớn dành cho những người quản lý xã hội. Phật giáo nhân gian Đài Loan với vai trò là một tôn giáo luôn quan tâm đến sinh mệnh con người cũng không nằm ngoài những âu lo đó.
1.2. Phật giáo nhập cuộc và mô hình kết hợp giữa Văn hóa, giáo dục và tổ chức sinh hoạt cộng đồng
Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu và giảng giải khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trong khi đó, giáo dục được hiểu là hình thức học tập, theo đó: kiến thức, kỹ năng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói cách khác, giáo dục là quá trình bồi dưỡng nhân cách, nhân tài. Nếu đem văn hóa và giáo dục kết hợp với nhau sẽ góp phần hình thành nên con người nhân cách, đạo đức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đứng trước những vấn đề của xã hội và con người Đài Loan đang gặp phải, những nhà quản lý xã hội, nhà nghiên cứu xã hội học, các tôn giáo trong xã hội Đài Loan đều không ngừng đề ra những phương cách nhằm cứu giúp con người và xã hội vượt qua cơn khủng hoảng của thời đại, lấy lại sự cân bằng giữa những giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống con người và xã hội. Phật giáo nhân gian Đài Loan đứng đầu là Tinh Vân Đại sư với quan niệm Phật giáo nhập cuộc, quan tâm đến sinh mệnh con người và xã hội đã đề xuất mô hình kết hợp ba trụ: Văn hóa, giáo dục và tổ chức sinh hoạt cộng đồng nhằm giáo hóa và bồi dưỡng nhân tâm con người trong xã hội. Để hiện thực hóa được những ý tưởng đó, từ năm 1957 kể từ khi Tinh Vân Đại sư làm chủ biên cuốn kỷ yếu “Giác thế nguyệt khan”《覺世月刊》đến nay, đã cho chỉnh lý, phiên dịch các sách kinh điển Phật giáo. Đồng thời, thành lập nhiều tạp chí, nhà xuất bản, trung tâm dịch thuật như: “Tạp chí Phổ môn”《普門雜誌》, “Nhà xuất bản Phật Quang”[2]《佛光出版社》, “Trung tâm dịch thuật Quốc tế”[3]《國際翻譯中心》… 60 năm một chặng đường miệt mài chuyển tác các sách kinh điển Phật giáo cộng với với nỗ lực dịch các sách kinh điển Phật giáo ra hơn 10 ngôn ngữ khác nhau, Phật giáo nhập thế Đài Loan đã góp phần làm phong phú kho tàng tài liệu về kinh sách Phật giáo.
Ngoài ra, kể từ khi thành lập (1965) đến nay, Học viện Tùng Lâm của Phật Quang Sơn Đài Loan đã đào tạo ra hàng ngàn tăng sư trẻ tuổi với các cấp bậc và chức vụ khác nhau. Sau khi tốt nghiệp, họ tỏa đi khắp nơi không chỉ trên lãnh thổ Đài Loan mà còn ở các quốc gia trên thế giới. Họ tham gia vào các công tác biên tập, đảm trách những công việc liên quan đến giáo dục hoằng pháp hoặc tham gia các công tác từ thiện xã hội,… Những nơi họ đến, những tài liệu họ phát, những công việc họ làm chính là những minh chứng rõ nhất cho việc Phật giáo nhập thế và mô hình kết hợp giữa văn hóa, giáo dục và tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Đó cũng chính là giá trị thiết thực mà Phật giáo nhập thế Đài Loan luôn tâm niệm và cố gắng.
Kể từ năm 2000, hoạt động “Sinh hoạt thư hương hóa” 《生活書香化》đã trở thành một hoạt động quen thuộc và thường niên ở các chùa chiền, thiền viện ở các quốc gia trên thế giới. Năm 2002, Bộ phận Lễ đường Phật Quang Sơn Đài Loan đã coi hoạt động sinh hoạt đọc sách trở thành hoạt động chính thức và thường niên trong chuỗi các hoạt động truyền Pháp của Phật Quang Sơn. Sự kết hợp giữa giáo dục Phật pháp, hoằng pháp tăng tài và việc đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt đọc sách ở các chùa chiền thiền Viện đã dần dần thu hút và gây chú ý đến người dân. Từ đó, khơi dậy văn hóa và nhu cầu đọc trong toàn xã hội.
Để làm được công việc thúc đẩy nhu cầu và văn hóa đọc sách của người dân không phải là công việc một sớm một chiều. Bởi xã hội hiện đại có nhiều phương cách giải trí hấp dẫn hơn việc đọc. Nhận thức được điều đó, Phật giáo nhập thế Đài Loan đã đề ra phương châm: đa nguyên, đa dạng hóa phương cách tiếp cận hoằng pháp, tức xã hội hóa công tác giáo dục Phật giáo. Việc giảng dạy những giáo lý kinh điển Phật giáo phải gần gũi với những nhu cầu mà Phật tử đang mong muốn. Tinh Vân Đại sư không ngừng thúc đẩy việc sáng tác những ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng giáo dục của Phật giáo. Thông qua ca từ dễ hiểu, giúp lớp trẻ ngộ ra những giáo lý và chân lý Phật dạy. Bên cạnh đó không ngừng mở rộng và phát triển các lớp học thêm, các buổi nói chuyện tọa đàm, các câu lạc bộ giao lưu giữa Phật tử các vùng miền với nhau, v.v.. Có vô vàn những hình thức sinh hoạt hoằng pháp khác nhau nhưng mục đích chủ yếu vẫn không rời xa tư tưởng cứu giúp con người và thúc đẩy xã hội trở lại trạng thái cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa, đạo đức. Đồng thời, nuôi dưỡng nhận thức đúng đắn về Phật pháp, từ đó giúp con người tự thức tỉnh để tự mình vượt qua những hỷ, nộ, ái, ố của cuộc đời và tận hưởng những điều tuyệt diệu trong thế giới của Phật pháp.
- Nguyên lý giáo dục của hoạt động sinh hoạt đọc sách nhóm trong các tự viện ở Đài Loan
2.1. Lấy đặc trưng của Phật giáo nhập thế làm căn cốt trong các hoạt động
Trong xã hội hiện đại, đối với một số người, đọc sách tựa như một thú vui tao nhã, một nhu cầu tự thân nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ coi việc đọc sách như một sự ép buộc. Họ đọc sách chỉ vì thi cử, chỉ do nhu cầu công việc cần bổ sung kiến thức mà không hề đến từ nhu cầu tự nhiên. Điều đó khiến cho việc đọc sách vô hình chung trở thành công cụ hóa, thế tục hóa.
Để thu hút và lôi kéo được những thành phần ít nhã hứng trong việc đọc sách có thể tham gia vào các hoạt động sinh hoạt đọc sách ở các Thiền viện, Tinh Vân Đại sư đã chỉ rõ: Hoạt động sinh hoạt đọc sách nhóm cần chú ý đến đối tượng các thành viên tham gia. Việc chọn tài liệu chủ đề đọc không được do cá nhân một người quyết định mà phải do quần chúng tập thể nhóm quyết định. Vì với mỗi đối tượng khác nhau sẽ có trình độ, nhu cầu hiểu biết và thời gian tự học khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không được nằm ngoài những vấn đề, kiến thức liên quan đến Phật pháp. Mục đích là để giúp người học dần nâng cao nhận thức về Phật pháp và tự giác giác ngộ. Vì vậy, việc chọn lựa nội dung đề tài phải làm sao để đáp ứng được những vấn đề mà mọi người quan tâm, làm sao để thông qua lớp học, khơi gợi được tinh thần lạc quan, tính thiện trong mỗi người,…
Tinh Vân Đại sư cũng lưu ý, người điều hành hội đọc sách cần tránh sử dụng ngôn từ mạnh trong điều hành hay thảo luận, mà nên dùng thái độ cổ vũ, lắng nghe khiến cho các thành viên tham dự buổi học cảm thầy được tôn trọng và bình đẳng. Từ đó, thúc đẩy sự giao lưu, tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các học viên, thúc đẩy lòng tin, sự chia sẻ giữa các thành viên với nhau. Qua đó, dẫn dắt mọi người trong quan hệ với đại chúng tự mình ý thức trách nhiệm với tập thể và cộng đồng. Đó là nguyên lý giáo dục sâu xa và căn cốt đầu tiên của hoạt động đọc sách nhóm ở các chùa chiền, tự viện.
2.2. Lấy “Vấn, tư, tu, chứng” dẫn dắt thảo luận
Thông thường những người điều khiển lớp đọc sách thường gặp phải bế tắc là không biết làm sao để đưa ra vấn đề thảo luận và dẫn dắt người đọc phát biểu. Rất nhiều các hoạt động sinh hoạt đọc sách lúc đầu thu hút số lượng lớn người tham gia nhưng do người điều hành không có kĩ năng tổ chức nên dần dần số người tham dự ngày một ít. Có nhiều phương pháp dẫn dắt hoạt động học nhóm, trong đó, nguyên lý lấy “Vấn, tư, tu, chứng” dẫn dắt thảo luận được coi là phương pháp hiệu quả nhất. “Vấn, tư, tu, chứng” là bốn giai đoạn từ lúc phát tâm đến lúc đạt được sự thanh tịnh trong trí tuệ của người học Phật. “Vấn” trong Phật pháp chỉ sự chăm chỉ, siêng năng tìm hiểu, học hỏi Phật pháp. “Tư” trong Phật pháp nghĩa là trước những kiến thức học hỏi được cần phải có thêm sự suy nghĩ sâu sắc và chín chắn để hiểu đúng và sâu. “Tu” trong Phật pháp nghĩa là mang những kiến thức và suy nghĩ học được không ngừng sửa chữa và tu dưỡng trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày để hiểu được chính nghĩa của Phật pháp. “Chứng” trong Phật pháp nghĩa là tâm, khẩu ý nghiệp sau khi trải qua quá trình tu cải, sau cùng thể chứng được chân lý Bát Nhã.
Bất luận học tập Phật pháp bao lâu, sự chăm chỉ siêng năng đến nhường nào mà không chịu “tư” suy nghĩ sâu sắc hay không “tu” sửa thì cuối cùng sẽ không thể đạt được “chứng” trong chính nghĩa Phật pháp. Hoạt động sinh hoạt đọc sách nhóm có mục đích giúp cho mọi người gắn kết với nhau hơn. Thông qua việc học tập, trao đổi và thảo luận những vấn đề xoay quanh kinh điển Phật giáo, hoạt động đọc sách giúp gia tăng đối thoại giữa các học viên, tạo cơ hội cho mỗi người có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của mình. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động trao đổi nhóm như vậy, kiến thức về Phật pháp sẽ không còn là những gì quá xa lạ và mơ hồ nữa. Ngược lại, nó có sự gắn bó gần gũi với sinh mệnh mỗi người. Đồng thời, khiến cho mỗi người tự mình lĩnh hội và giác ngộ Phật pháp và giáo lý nhà Phật.
- Ảnh hưởng của các hoạt động sinh hoạt đọc sách nhóm đối với nền giáo dục quốc dân Đài Loan
3.1. Hóa giải những tổn thương đổ vỡ giữa người với ta
Như trên đã nói, nguyên lý giáo dục của hoạt động sinh hoạt đọc sách nhóm là thông qua thảo luận, đối thoại cho phép người học tự do phát biểu ý kiến cá nhân, đồng thời cổ vũ những ý kiến trái chiều. Không phân biệt kinh nghiệm hay trình độ, địa vị xã hội hay giới tính, trong quá trình thảo luận, mỗi ý kiến, mỗi quan điểm, bất luận là chính thống hay phi chính thống, nông hay sâu, đều chứa đựng giá trị và ý nghĩa nhất định. Kết cấu này được thiết lập dựa trên sự bình đẳng, tinh thần đối thoại tương hỗ, giúp người điều hành hiểu thêm tư duy của mỗi học viên. Nó không những thiết lập quan hệ kiến hợp đồng giải trong quan hệ giữa người với người mà còn dựa trên những chia sẻ trải nghiệm cá nhân, góp phần hóa giải những tổn thương đổ vỡ đã qua trong quá khứ của những người tham dự.
Đặc biệt, cùng với quá trình hiện đại hóa, xã hội Đài Loan đang đối mặt với những tan rã trong kết cấu quan hệ gia đình. Bố mẹ bận từ sáng đến khuya không có thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, anh chị em trong gia đình tình thân gắn kết không bền chặt, v.v.. Mô hình “Gia đình đọc sách” với việc bố mẹ và con cùng nhau tham dự các sinh hoạt nhóm sẽ góp phần xóa đi khoảng cách trước đây. Đồng thời, thông qua việc đọc và thảo luận, với tinh thần lắng nghe, tôn trọng và chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ của người khác, sẽ góp phần tạo nên sự thấu hiểu và cảm thông lẫn nhau, từ đó hóa giải những khoảng cách và đổ vỡ trong quan hệ tình cảm đã từng có trong quá khứ. Điều này giải thích vì sao việc tổ chức sinh hoạt đọc sách nhóm phải nhất định lấy các vấn đề thực tiễn cuộc sống làm nguyên lý giáo dục.
3.2. Xóa bỏ sự khác biệt giữa giàu và nghèo, thành thị và nông thôn, thiết lập viễn cảnh một xã hội hài hòa gắn kết.
Với tư tưởng “Sinh hoạt thư hương hóa”《生活書香化》, cổ vũ toàn dân đọc sách của Tinh Vân Đại sư, từ những miền quê nghèo khó cho đến nơi thị thành phồn hoa đều thành lập các mô hình xã hội hóa hoạt động học nhóm, đọc sách nhóm. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, Hội đọc sách Phật giáo của Phật Quang Sơn đã không ngừng phát triển các mô hình khác nhau nhằm mở rộng và phát triển mô hình xã hội hóa hoạt động đọc sách nhóm. Ngoài Hội gia đình đọc sách nhóm, Hội xã phường đọc sách nhóm ra, mô hình, phong trào này còn phát triển ở các trường học, đoàn thể, xí nghiệp, nhà tù,… Đồng thời, dựa vào độ tuổi, giới tính để phân loại tên gọi như: Hội nhi đồng đọc sách, Hội thanh niên đọc sách, Hội phụ nữ đọc sách[4],… Mục đích của việc mở rộng những hoạt động sinh hoạt đoàn thể này là để biến hoạt động đọc sách như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng. Thông qua hoạt động đọc sách có thể xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa giàu và nghèo.
Bất luận một xã hội ổn định hay một gia đình yên ấm hòa thuận thì phía sau bao giờ cũng là sự cộng hưởng của từng cá nhân, phần tử có suy nghĩ, hành vi lương thiện. Nếu một người lãnh đạo luôn đặt mục tiêu và mong muốn cá nhân lên hàng đầu thì chắc chắn người lãnh đạo đó luôn trong trạng thái mệt mỏi về tâm lý, hiệu quả công việc và mong muốn chưa chắc đã đạt được. Bởi bản chất con người luôn luôn tồn tại những hành động và suy nghĩ cục bộ có tính cá nhân. Vì vậy, làm sao để hướng tâm mỗi người luôn hòa nhập với suy nghĩ chung của đoàn thể, hình thành tính tự chủ và tinh thần tự giác tập thể, từ đó thiếp lập mục tiêu chung, khiến cho cái tôi cá nhân hòa hợp trong gia đình, nhà trường và xã hội.
- Kết luận
Giáo dục là phương thức trải nghiệm và khám phá văn minh của xã hội loài người. Phật giáo nhân gian Đài Loan nói chung và Tinh Vân Đại sư nói riêng bằng sự kết hợp giữa những giáo lý Phật pháp và thực tiễn cá nhân học tập và nghiên cứu Phật pháp hơn 50 năm đã thiết lập nên một khái niệm và mô hình Phật giáo nhập thế không chỉ có sức ảnh hưởng đối với xã hội và con người Đài Loan mà còn có sức ảnh hưởng đối với toàn nhân loại. Phật giáo nhập thế ngày nay đã trở thành một xu hướng toàn cầu hóa, nhưng nguyên lý kết hợp giữa văn hóa, giáo dục và hoạt động cộng đồng Phật giáo của cội nguồn tư tưởng Phật giáo nhân gian Đài Loan cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Ghim cài áo tràng 3D chìm Đức Phật Thích Ca...
Ghim cài áo
85.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Lời Thì Thầm Của Gió
Sách tô màu
25.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Cô Nhện Bông Mướt
Sách tô màu
25.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Hạt Giống Từ Bi
Sách tô màu
25.000đ