Đã thêm vào giỏ hàng!

Xem giỏ hàng

  admin

  0

  27/07/2023

Về đâu tương lai voi hoang dã Việt Nam khi diện tích rừng ngày một thu hẹp

image 167

Hàng dấu chân khổng lồ xen lẫn từng mảng bê tông vỡ loang lổ dẫn đến một trạm bảo vệ rừng đơn sơ trong Vườn quốc gia Pù Mát thuộc tỉnh Nghệ An. Theo lời các nhân viên tại vườn, chủ nhân của những dấu chân hộ pháp ấy là một cô voi dễ thương nhưng cũng khá cô độc.

Vì đang sinh sống trong vạt rừng tách biệt với các quần thể voi khác ở Việt Nam, cô voi cô đơn này mua vui bằng cách làm bạn với các nhân viên tại trạm. Các cô chú kể rằng đây là một cá thể voi 29 tuổi chỉ có một mình sau khi voi mẹ mất hơn một thập kỉ trước. Mỗi lần voi đến chơi, không ai là không biết, vì cô luôn để lại sau mình “đường mòn” quen thuộc đầy dấu chân hõm sâu, vài miếng rào, biển báo cong vênh vì quá phấn khích.

“Con voi này hay tới đây chơi lắm,” anh Nguyễn Công Thành, cán bộ kiểm lâm công tác tại Pù Mát, vừa kể vừa chỉ cho tôi thấy vết tích của cô voi. Thật ra, sâu trong tâm vườn quốc gia còn là nhà của một đàn voi lớn gồm khoảng 15 thành viên, anh nói, nhưng gia đình này hoàn toàn không thân thiện bằng.

image 168
Anh Nguyễn Công Thành, cán bộ kiểm lâm tại Vườn quốc gia Pù Mát, cầm tấm biển bị cá thể voi tại vườn kéo cong.
image 169
Chú Lộc Văn Hùng, cán bộ kiểm lâm, bên khoảng hàng rào bị voi đè nghiêng.

Hiện tại, Việt Nam chỉ còn khoảng 100 cá thể voi rừng trong tự nhiên, chia ra làm 22 quần thể phân bố trên khắp lãnh thổ. Từ một loài mãnh thú với hơn 100.000 cá thể trên khắp châu Á, giờ đây số lượng voi ít ỏi còn sống sốt phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa, nguy hại nhất trong số đó là xung đột leo thang với con người vì môi trường sống ngày một bị thu hẹp.

Voi sống cận khu vực dân cư dễ bị thu hút bởi ruộng lúa, vườn hoa màu, bắp của người dân. Chỉ cần một chuyến ghé thăm của đàn voi rừng cũng đủ san bằng vườn tược của một gia đình. Đau lòng thay, hầu như những cuộc chạm trán giữa người và voi rừng đều có kết cục buồn, thậm chí dẫn đến thương vong.

Trong bối cảnh công cuộc khai phá rừng mở rộng ruộng đất và phát triển nông thôn ngày càng rầm rộ, các nhà bảo tồn đã gióng lên hồi chuông báo động về sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng voi rừng, tiến đến bờ vực không đủ voi trưởng thành để duy trì nòi giống.

Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, cán bộ kiểm lâm ở Pù Mát đã phát hiện 2 trường hợp voi rừng bị đánh bả chết, nhiều nghi vấn có liên quan đến xung đột với dân địa phương.

image 170
Một chú voi châu Á tắm táp giữa cái nắng kỉ lục tại Vườn quốc gia Yok Don vào tháng 5, 2023.

Dân số voi rừng Việt Nam vẫn ngắc ngoải tìm cách tồn tại, nên mỗi lần quần thể voi và dân cư có va chạm lại càng đẩy số phận của loài voi gần hơn với khủng hoảng sinh thái chực chờ.

Những chú voi rừng còn sót lại

Voi châu Á (Elephas maximus) được xếp loại Rất nguy cấp (Critical Endangered) trong Sách đỏ Việt Nam, và thuộc danh mục nguy cấp (Endangered) trên toàn cầu trong Sách đỏ IUCN, được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

05b
Du khách kí họa một chú voi châu Á được giải cứu bởi tổ chức phi chính phủ Animals Asia, đang sinh sống tại Vườn quốc gia Yok Don, nhà chung của khoảng 28 đến 60 cá thể voi rừng.

Qua hàng thập kỉ, dân số voi còn tồn tại ở Việt Nam đã và đang sa sút đáng kể. Hàng loạt cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá trong 20 năm chiến tranh với đế quốc Mỹ, nhưng ngay cả trong thời bình, môi trường sống của voi cũng ngày một thu hẹp lại khi xã hội phát triển hơn.

Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, số lượng voi rừng tại nước ta đã giảm từ khoảng 2.000 con vào năm 1980 xuống còn 91 đến 129 con vào năm 2022, vì nhiều tác nhân như bị săn bắn lấy ngà và da, hay bị bắt về thuần hóa để kéo gỗ và phục vụ cho du khách.

Hiện nay, một vài đàn voi hoang dã vẫn còn sinh sống tại khu vực gần biên giới với Campuchia và Lào. Tuy nhiên, 3 vườn quốc gia Cát Tiên, Pù Mát và Yok Don hiện đang là nhà của các quần thể đông đúc nhất, với ít hơn 20 con tại Cát Tiên và Pù Mát và khoảng 20 đến 60 ở Yok Don, dựa theo ước tính của Tổng cục Lâm nghiệp. Ngoài các vườn quốc gia, tại Việt Nam, voi rừng sống rải rác trong địa phận 9 tỉnh thành, với 4 nơi chỉ còn duy nhất 1 cá thể.

16b
Số lượng voi châu Á đã suy giảm đáng kể qua hàng thập kỉ ở Việt Nam. Năm 2022, ước tính chỉ còn 91–129 cá thể voi sinh sống tại 12 tỉnh thành, tập trung tại 3 vườn quốc gia. Số liệu: Tổng cục Kiểm lâm Việt Nam. Đồ họa: China Dialogue, Anton Delgado.

Số liệu của Tổng cục Kiểm lâm về môi trường sống của voi có bao gồm Lâm Đồng, tuy nhiên báo cáo không đề cập tỉnh có bao nhiêu cá thể.

Đề án quốc gia để cứu lấy voi Việt

Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi nhằm gìn giữ quần thể voi rừng của đất nước. Chương trình bảo tồn dự kiến sẽ được thực hiện từ 2023 đến 2032, với tầm nhìn đến 2050.

Chị Mai Nguyễn, quản lý chương trình động vật hoang dã thuộc Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế (HSI), chia sẻ rằng các cơ quan chức năng quốc gia cùng chính quyền các tỉnh còn voi cư ngụ đã ngồi lại cùng nhiều tổ chức bảo tồn động vật hoang dã, trong khuôn khổ các buổi workshop tư vấn và trao đổi kỹ thuật, để hoàn thiện kế hoạch hành động.

06b
07b

Một tác phẩm tượng trưng cho đàn voi châu Á trong khuôn viên Vườn quốc gia Pù Mát, được làm từ bẫy kẹp và nhiều dụng cụ săn bắt động vật hoang dã khác.

Tổ chức HSI đang dẫn đầu nỗ lực thực hiện bản dự thảo cho kế hoạch hành động, đồng thời cũng động viên và hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho chính quyền địa phương trong công cuộc tìm kiếm các biện pháp can thiệp hợp tình hợp lý, để xoa dịu mâu thuẫn giữa cộng đồng địa phương và voi rừng. Kế hoạch cần sự chấp thuận từ Thủ tướng hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước khi có hiệu lực.

Nhưng quá trình chữa lành xung đột voi-người không hề đơn giản, và ta cần rất nhiều số liệu, thông tin để đưa ra phản ứng thích hợp. Chị Mai chia sẻ: “Xung đột mang tính đặc trưng và cũng rất phức tạp. Để giải quyết không dễ đâu vì cần nhiều thời gian… Mình phải luôn luôn xem xét tình hình để biết thêm nhiều đặc tính của xung đột.”

Thù hằn và hòa giải

Nhiều biện pháp truyền thống được người dân áp dụng để xua voi ra khỏi vườn tược có thể làm tổn thương voi. Thường nông dân sẽ khua xoong gõ nồi, chiếu đèn vào voi, hay đốt pháo để cho voi sợ, nhưng cũng có trường hợp người ta dùng vũ lực.

Nhiều người dân ở Cát Tiên thuật lại cho các nhà bảo tồn voi về một vụ việc xảy ra khoảng 4 năm về trước, khi họ phải đốt bom xăng, ném vào một con voi hoang dã để đuổi nó đi. Từ đó, người dân trong vùng nhận thấy rằng con voi ấy cũng trở nên hung hăng hơn khi quay lại.08b

Một chú voi châu Á gặm cây lá trong Vườn quốc gia Yok Don, nơi đang nuôi dưỡng đàn voi rừng lớn nhất Việt Nam.

Dạo đầu, nhiều chuyên gia bảo tồn hoang dã nuôi hy vọng các “hàng rào sinh học” như thùng nuôi ong hay bờ rào bằng cây ớt có thể giúp ngăn cản voi đến gần khu dân cư, nhưng tiếc thay, những biện pháp ngăn chặn có phần thụ động này mang lại hiệu quả rất kém.

Một giải pháp khác đang được nhiều chuyên gia vận động để được đưa vào kế hoạch bảo tồn là chương trình đền bù cấp quốc gia dành cho các hộ gia đình có tài sản bị voi phá. Giải pháp này đặt ra nhằm phòng tránh người dân trả thù voi bằng vũ lực. Hiện tại, dù nhiều địa phương vẫn có hình thức đền bù, chính sách này không hiện hữu trong chương trình quốc gia.

“Chúng tôi mong rằng phần đền bù cho người dân có thể phần nào thuyên giảm xung đột để bảo vệ đàn voi,” ông Thông Phạm, quản lý nghiên cứu tại tổ chức Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife), cho biết.09b

Phước, chủ một sạp bán trái cây, chơi đùa với con trai mình cạnh một đài phun nước hình voi ở Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Chị Mai Nguyễn thuộc HSI đang nỗ lực hoàn thành bản thảo cuối cùng của kế hoạch hành động để trình lên chính phủ với hy vọng kế hoạch sẽ được thông qua trong năm nay. “Để gỡ rối vấn đề này thật không dễ dàng,” chị nói. “Chúng tôi phải đại diện cho tiếng nói của đàn voi.”

Đào tạo cách tiếp cận tốt hơn khi gặp xung đột giữa voi và người

Cuối tháng 5 năm 2023, cô Cao Thị Lý đứng lớp một khóa đào tạo cách ứng biến trong tình huống voi về làng. Cô Lý là một chuyên gia về voi và đã từng giảng dạy tại Đại học Tây Nguyên trước khi nghỉ hưu. Trong lớp học, chúng tôi trò chuyện với các “học viên,” từ các nhà bảo tồn, cán bộ kiểm lâm cho đến nhiều thành viên của các tổ phản ứng nhanh trong cộng đồng, được thành lập để giúp giải quyết va chạm giữa người và thú hoang xung quanh vườn quốc gia. Khóa học được sắp xếp bởi Tổ chức Động thực vật Thế giới (FFI), hiện đang điều phối các chương trình bảo tồn tại Pù Mát và hỗ trợ cho đội phản ứng nhanh.

“Trong số 13 quốc gia châu Á [còn voi rừng sinh sống], Việt Nam có số lượng voi hoang dã ít nhất,” cô Lý chia sẻ. “Chúng ta phải thay đổi để giúp voi tồn tại.”

image 171
Cô Cao Thị Lý, cựu giảng viên Đại học Tây Nguyên, là tác giả của một đầu sách về xung đột giữa người và coi. Cô tham gia giảng dạy khóa đào tạo cách tương tác với voi trong tình huống khẩn cấp.

Anh Đặng Đình Lâm, một thành viên tổ phản ứng nhanh, nói rằng môi trường sống ngày càng bị thu hẹp và tàn phá đã làm xung đột giữa voi và người dân leo thang. Anh cho biết không gian sống và thức ăn cho voi ngoài thiên nhiên không còn nhiều vì nhiều hoạt động phát hoang, đốt đồng để lấy đất canh tác và mở rộng đồn điền cao su.

“Mâu thuẫn đến từ hai phía. Voi thiếu chỗ ở, còn người dân không ưa voi vì voi phá mùa màng và tài sản,” anh Lâm nói. “Tôi mong rằng chính quyền và nhân dân phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo ban loài voi.”

Kỹ sư của rừng già

“Hồi chị còn bé, chị đi đâu cũng thấy voi,” chị Quỳnh Phạm kể tôi nghe trong lúc chúng tôi đi bon bon trên chiếc xe điện sâu vào tâm Vườn quốc gia Yok Don. Yok Don có diện tích gần 115.000 héc ta, bao phủ phần lớn Tây Nguyên, quê nhà của đàn voi lớn nhất nước ta. Chị Quỳnh là giám đốc ethical tourism (tạm dịch: du lịch nhân đạo) thuộc tổ chức Animals Asia, hiện đang hoạt động tại Việt Nam và Trung Quốc để giúp bảo vệ động vật hoang dã bị bắt nhốt.

Vào tháng 12/2021, Animals Asia đã kí kết thỏa thuận với tỉnh Đắk Lắk (tỉnh nhà của Yok Don), hướng đến chấm dứt hoàn toàn các hoạt động cưỡi voi vào năm 2026 và mở rộng loại hình du lịch voi nhân đạo. Các chương trình ethical tourism, ở đây là với voi, đưa sức khỏe và chất lượng sống của voi lên đầu. Theo ước tính năm 2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có 37 cá thể voi đã thuần hóa hoặc bị nuôi nhốt, và khoảng 28–60 cá thể ngoài tự nhiên.

Mười chú voi đã từng bị bắt chở khách giờ được an cư tại Yok Don dưới sự chăm sóc của Animals Asia. Các chú được phép thoải mái rong chơi trong vườn quốc gia vào ban ngày, được quản tượng trông coi để bảo đảm an toàn; buổi tối, voi được quản lý bằng xích dài qua đêm. Du khách đến thăm vườn quốc gia có thể ngắm voi ăn, tắm hay tung tăng trong bùn từ một khoảng cách nhất định.

Dẫu đời sống của 10 chú voi giải cứu không thể so với quá khứ tự do trong tự nhiên trong trí nhớ của chị Quỳnh, nhưng quần thể voi “về hưu” này cũng có thể phần nào trở về với vai trò sinh thái quan trọng của mình.

Vừa đủng đỉnh rảo bước trong cánh rừng thưa, hai cô voi cái vừa chậm rãi nhai lá tre — một hình ảnh khác xa quá khứ đầy cùm xích trong khu du lịch. Voi hoang dã có thể dành đến 18 tiếng một ngày để nhai cây cỏ và cày xới đất rừng, giúp phát tán hạt và gầy dựng nên hàng thực vật với mỗi bước chân hì hục của mình. Khi dân số voi hoang dã ngày càng sụt giảm ở khắp châu Á, vai trò “kỹ sư nông nghiệp” này cũng bị bỏ ngỏ.01b

Một chú voi châu Á được Animals Asia giải cứu đang nhâm nhi lá cây trong Vườn quốc gia Yok Don. Voi có thể ăn đến 150kg thực vật mỗi ngày.

Chú Prasop Tipprasert, nhà bảo tồn voi với hơn 30 năm công tác tại Đông Nam Á, nhấn mạnh rằng sự có mặt của voi trong tự nhiên là dấu hiệu của môi trường hoang dã đầy sức sống và giàu đa dạng sinh học.

“Nếu ta không thể kéo voi khỏi bờ vực tuyệt chủng, ta chắc chắn cũng đánh mất cơ hội bảo vệ trái tim của rừng rậm tự nhiên,” chú chia sẻ. Nhà hoạt động môi trường người Thái hiện đang công tác tại MandaLao Elephant Conservation, một công ty du lịch sinh thái tại Lào.12b

Cô Cao Thị Lý cho chúng tôi xem những vết tích voi để lại sau khi tới chơi tại vạt rừng ở Pù Mát.

Theo cô Cao Thị Lý, để giúp voi có thể tiếp tục vai trò “kỹ sư nông nghiệp” rất quan trọng của ở rừng rậm Việt Nam, chính quyền phải thật sự quyết tâm cải thiện và kết nối môi trường sống, hiện rất tách biệt, của loài voi. Có như vậy, những quần thể voi khác nhau mới có cơ hội tiếp cận nhau, duy trì nòi giống.

Trước đây, đàn voi từng thỏa thích tung hoành trong những cánh rừng xuyên suốt từ Nam chí Bắc, nhưng buồn thay, rừng nguyên sinh Việt Nam đang ngày càng bị phân mảnh hóa nghiêm trọng, nên mâu thuẫn với cộng đồng người dân địa phương với voi cũng dần hóa thành lối mòn, cô Lý cho biết.

“Kết cục không hay là không thể tránh khỏi khi cả voi và người phải tranh nhau nguồn tài nguyên rừng ít ỏi còn sót lại,” cô nói. “Căng thẳng giữa voi và người đang ngày càng dâng cao.”13b

Một chú voi khoảng 40 năm tuổi, được Animals Asia giải cứu, đi loanh quanh trong Yok Don.

Tình cảnh cũng bi đát không kém của voi tại các nước láng giềng

Số lượng voi rừng ngày càng sụt giảm không phải là vấn nạn ở riêng Việt Nam, mà còn ở khắp châu lục. Quần thể voi ở Lào và Campuchia tổng cộng chỉ ở khoảng dưới 1.000 con. Xa hơn về phương Bắc, không tới 300 cá thể voi hoang dã đang được ghi nhận ở Trung Quốc. Trung Quốc một thời từng là nơi trú ngụ lý tưởng với môi trường sống của voi phân bố khá rộng, nhưng voi châu Á ở đây giờ cũng chỉ quanh quẩn trong một khu vực nhỏ ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc.

Những va chạm xoay quanh vấn đề tài nguyên cũng là khúc mắc nổi cộm trong việc bảo tồn voi hoang dã ở Trung Quốc. Năm 2021, đàn voi 14 con thuộc một khu bảo tồn tại Vùng tự trị Tây Song Bản Nạp, Vân Nam bắt đầu chuyến di cư về phương Bắc. Trong hành trình kéo dài hàng tháng ấy, đàn voi làm hư hại rất nhiều tài sản của dân cư trong vùng, đưa chính quyền địa phương vào thế gọng kìm, phải vừa tìm cách để bảo tồn đàn voi hoang dã, vừa bảo vệ nhà cửa, vườn tược của người dân. Chính phủ sở tại cho biết, hơn 150.000 người sinh sống gần đường đi của voi đã phải sơ tán để phòng bất trắc. Chính quyền cũng đồng thời đền bù tổng cộng US$770.000 (hơn 18,2 tỉ VND) cho các hộ có tài sản bị voi phá.

14b
15b

Khu vực canh tác gần Vườn quốc gia Pù Mát, một trong ba vườn quốc gia có đông voi sinh sống.

Ngồi nói chuyện với tôi chỉ vài bước cách nơi cô “voi cái cô độc” thường đến chơi, cô Cao Thị Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực bảo tồn môi trường sống trong công cuộc cứu lấy quần thể voi nước ta.

“Trong bảo tồn voi hoang dã, Việt Nam thật sự yếu nhất về nhiều mặt,” cô nói. “Nước mình vẫn còn cơ hội giúp voi tiếp tục sinh sôi nảy nở trong tương lai, nhưng trước hết, cần phải khôi phục lại rừng cho voi sống cái đã.”

(Theo saigoneer.com)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sản phẩm bạn có thể quan tâm

MKT VCSS TetVuiNoAm 02

Vui Cùng Sen Sún: Tết Vui No Ấm

Sách tô màu

35.000đ

Vui Cùng Sen Sún: Tết Vui No Ấm là quyển truyện ra đời tạo cơ hội để các con hiểu được ý nghĩa ngày tết và có không gian để con vui chơi, sáng tạo...
MKT SMB01 01

Sắc màu của Bụt: Hành trình tâm linh vòng quanh...

Sách tô màu

135.000đ

Cuốn sách Hành trình tâm linh vòng quanh thế giới là một trong 3 cuốn trong Series Sắc màu của Bụt do Sách Tốt Đẹp biên soạn và phát hành. Đây là một cuốn sách...
MKT VCSS NPRD 01

Vui cùng Sen sún: ngày Phật ra đời!

Sách tô màu

28.000đ

Cuốn sách “Ngày Phật ra đời” là một trong 4 cuốn trong Series Vui cùng Sen Sún do Sách Tốt Đẹp biên soạn và phát hành. Đây là một cuốn sách tương tác thiếu nhi...
MKT CDTC 01

Chạm đến tim con – Thích Nhật Từ

Sách cho phụ huynh

99.000đ

Chạm đến tim con - sách đọc thực hành đột phá giúp cha mẹ kết nối sâu sắc với con cái qua lời dạy của Phật. Khám phá ngay hành trình trở thành cha mẹ...