Phát triển văn hóa đọc thông qua các tủ sách cộng đồng
Những tủ sách miễn phí, các chương trình hướng dẫn đọc đã góp phần đưa sách đến nơi xa xôi và còn nhiều khó khăn, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Trong 5 năm vừa qua, Hội Xuất bản Việt Nam và các hội viên đã cho thấy nỗ lực trong việc triển khai thực hiện 5 mục tiêu do Đại hội IV của Hội đề ra, có những đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ngành xuất bản, hướng tới mục tiêu “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.
Sách đến được tay người cần
Năm 2020, 10.000 đầu sách và đồ dùng học tập đã được Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng cho thanh thiếu nhi vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Năm 2021, Công ty Đường sách TP.HCM (một đơn vị thuộc Hội Xuất bản Việt Nam) đã phối hợp cùng Thành đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mở cuộc vận động các đơn vị xuất bản, phát hành quyên góp tặng trên 15.000 bản sách (sách giấy, ebook, audio book) cho thanh thiếu nhi và người dân tại các khu phong tỏa, khu cách ly.
Năm 2022, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM trao tặng sách và đồ dùng học tập cho 50 thư viện các trường tiểu học thuộc 5 huyện ngoại thành TP.HCM. Sách được sắp xếp theo danh mục nhằm hỗ trợ dạy và học theo Chương trình giáo dục Phổ thông.
Cùng Hội Xuất bản Việt Nam, nhiều hội viên là các đơn vị xuất bản, phát hành sách cũng có những hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là những vùng còn nhiều khó khăn.
Từ năm 2017 đến năm 2022, Chương trình Khuyến đọc và Quỹ sách của Nhà xuất bản Phụ Nữ đã trao tặng hơn 13.800 cuốn sách, tương đương số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hàng triệu bạn đọc đã được tiếp cận với sách và nâng cao nhận thức về sách và văn hóa liên quan đến sách. Phụ nữ, trẻ em, học sinh, các gia đình ở vùng khó khăn, dân tộc, miền núi được tiếp cận với sách một cách dễ dàng và được hướng dẫn sử dụng sách.
Trong hơn một năm qua, Dự án Khuyến đọc Việt Nam do Thái Hà Books phát động đã xây dựng 100 tủ sách cộng đồng tại các trường học, cơ quan, tổ chức cộng đồng… Ngoài ra, những cây ATM sách xuất hiện từ Bắc vào Nam, mang những cuốn sách lên cả vùng cao, tiếp nối và lan tỏa tri thức cùng những giá trị tới đông đảo bạn đọc toàn quốc.
Hay mới đây, Omega Plus Books bắt đầu chương trình hỗ trợ xây dựng 100 tủ sách cộng đồng nhằm giúp các cá nhân, tổ chức đem sách đến cho các địa phương ít có cơ hội tiếp cận với sách.
“Trong vài năm trở lại đây, chúng tôi nhìn thấy những biến chuyển khá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc ở cả khía cạnh phong trào bề mặt lẫn những hoạt động thực chất, hiệu quả. Điều đáng mừng là các hoạt động của các nhóm và các cá nhân ngày càng có chiều sâu, chú trọng hơn vào chất lượng của sách vở lẫn tính chuyên nghiệp trong vận hành tủ sách/thư viện”, bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega Plus Book, chia sẻ.
Tân Việt Books có dự án “Phát triển không gian văn hóa đọc cộng đồng”. Đây là dự án kêu gọi nguồn xã hội hóa, các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay để phát triển không gian đọc ở vùng nông thôn.
Bà Nguyễn Kim Thoa – CEO Tân Việt Books, người khởi xướng chương trình – cho biết các nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nhưng chưa được sử dụng thường xuyên. Bởi vậy, bà muốn cải tạo không gian văn hóa trở nên tốt hơn, đưa sách vào, bởi sách cũng là một yếu tố của văn hóa. Bên cạnh đó, bà Thoa cũng muốn có những hoạt động để người dân thích đọc, muốn đọc.
Hình thành thói quen đọc một cách khoa học
Song song việc đưa sách đến các cộng đồng, các chương trình nâng cao nhận thức và hình thành thói quen đọc cũng được tiến hành trong những năm qua.
Đầu năm 2020, Hội Xuất bản Việt Nam kêu gọi hơn 30 đơn vị xuất bản để góp phần hình thành Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học trong nhà trường, cung cấp một giải pháp nền tảng cho việc đọc sách của học sinh và giáo viên.
Với các hội viên, nhiều chương trình khuyến đọc, hướng dẫn đọc sách cũng được thực hiện sôi nổi. Chẳng hạn, với 100 cây ATM sách miễn phí, 100 buổi đọc sách cùng nhau cũng đã được Thái Hà Books tổ chức trong suốt thời gian qua.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Thái Hà Books – tin rằng đây chỉ là những bước đi rất nhỏ cho một chặng đường nhân rộng việc đọc sách.
Chia sẻ với Tri thức Trực tuyến, ông nói: “Tôi nghĩ và rất mừng rằng thời cơ đã đến, chúng ta cần nhân cơ hội này đẩy mạnh hơn nữa công tác lan tỏa văn hóa đọc đến với 100 triệu dân Việt Nam. Cần lan tỏa sách đến các huyện của ngay Hà Nội và TP.HCM, tổ chức nhiều hội sách, phố sách tại 63 tỉnh thành chứ không chỉ tại các thành phố lớn, có thêm nhiều địa điểm, không gian, công trình văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng”.
Với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, việc phát triển văn hóa đọc trong thanh niên được thực hiện thông qua các chương trình hướng dẫn đọc sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng. Trong đó, đơn vị giữ vai trò là người chia sẻ với cha mẹ trẻ dạy trẻ em có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ; chia sẻ với thầy cô giáo dạy trẻ em cách đọc sách trong nhà trường, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ có thể tiếp cận với sách ngoài cộng đồng, nơi mình sinh sống.
Với mong muốn đồng hành cùng các tủ sách cộng đồng, bà Trần Hoài Phương cho biết đơn vị làm sách có thể hỗ trợ tư vấn về xây dựng tủ sách và một số hoạt động vận hành, phát triển văn hóa đọc, kết nối các bên cá nhân/doanh nghiệp với các nhóm, cộng đồng cần được hỗ trợ.
Hiện nay đã có nhiều hướng dẫn cụ thể và khoa học, dựa trên sự đúc rút kinh nghiệm về việc xây dựng và duy trì thói quen đọc sách trong các gia đình và cộng đồng.
“Tất cả điều trên cho chúng tôi niềm tin và cảm hứng mạnh mẽ để tiếp tục hành trình xuất bản tri thức nền tảng, đồng thời suy nghĩ về chiến lược lâu dài, theo đó chúng tôi có thể góp phần nào đó cho công cuộc khuyến đọc”, bà Trần Hoài Phương cũng cho biết thêm.
(Theo zingnews)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Vui Cùng Sen Sún: Bông Hồng Cài Áo
Sách tô màu
28.000đ
Thiện Lành Như Phật: Trung Thực Siêu Năng Lực
Sách tương tác
60.000đ
Sắc màu của bụt: Hành Trình Đi Tìm Đức Thế...
Sách tô màu
145.000đ
Thiện Lành như Phật: Đức Phật ở đâu?
Sách tương tác
59.000đ