Chàng trai bại não làm phần mềm ‘nói thay’ người khiếm khuyết
TTO – Chàng sinh viên công nghệ thông tin mắc chứng bại não thể co cứng cùng nhóm bạn trẻ nghiên cứu phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo chuyển giọng nói của người khiếm khuyết thành ngữ điệu tự nhiên.
Nguyễn Đức Thuận được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2022 – Ảnh: NAM TRẦN
Hồi học phổ thông ở Bắc Ninh, Nguyễn Đức Thuận (20 tuổi) luôn trở thành đề tài chế giễu của đám bạn. Thậm chí có đứa còn đánh Thuận như một trò tiêu khiển mà chúng quen gọi là… “thằng què”.
Hy vọng phần mềm mà mình cùng các bạn tạo ra sẽ giúp được những người gặp vấn đề về phát âm như mình có thể giao tiếp dễ dàng hơn, để mọi việc trong cuộc sống bớt khó khăn hơn.
NGUYỄN ĐỨC THUẬN
Dò từng bước đường cùng con
Trong ký ức của bà Đỗ Thị Hoài – mẹ Thuận – tuổi thơ của cậu con trai là chuỗi ngày châm cứu, thủy châm, xoa bóp để có thể vào tiểu học. Thuận gắn với Bệnh viện Châm cứu trung ương ở Hà Nội, chắc đủ 12 tháng nằm viện trong năm. Mỗi tháng được về nhà chừng một tuần tạm nghỉ rồi hai mẹ con lại “khăn gói quả mướp” vào viện.
Lúc mới đi học, chủ yếu làm quen và tô chữ nên không quá khó khăn. Nhưng qua lớp 3, khi buộc phải ghi chép nhanh hơn, những dòng chữ của Thuận nguệch ngoạc như “mì tôm” mà có khi chính anh cũng không đọc được mình đã viết gì. Mọi thứ Thuận chỉ ghi nhớ trong đầu, đến lúc thi nhớ gì viết nấy.
Mẹ Thuận nhớ lại: “Có bài thi toán, bạn khác mất 50 phút nghĩ, viết 10 phút còn thằng Thuận ngược lại, chỉ nghĩ 10 phút nhưng phải dành 50 phút để viết”.
Sức khỏe Thuận không quá yếu nhưng không thể ngồi vững trên ghế. Người bình thường đi năm bước, cậu chỉ bước được một, hai bước. Chân tay co cứng, dáng người lảo đảo, ngả sang hai bên như chực ngã bất cứ lúc nào.
“Mình chỉ biết động viên con cố gắng, vượt qua các chướng ngại từ sinh hoạt đến học tập, coi như những bậc thang cần qua để tiến đến nấc cao hơn”, bà Hoài bộc bạch.
Mọi thay đổi bắt đầu khi Thuận có chiếc máy tính cũ do mấy chú cùng đơn vị với bố tặng. Anh chàng mê lập trình. Thế là gần như mỗi ngày, hai mẹ con rong ruổi đoạn đường từ nhà ở huyện Quế Võ lên Trường THPT chuyên Bắc Ninh (TP Bắc Ninh). Hôm nào về đến nhà cũng đã tối mịt, ngày nắng, ngày rét đã khổ, gặp hôm mưa gió còn kinh khủng hơn.
Năm lớp 11, cậu học trò khuyết tật ấy đã giành giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tin học. Với kết quả đó, Nguyễn Đức Thuận được Sở Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho làm hồ sơ tuyển đặc cách bổ sung vào học lớp 12 ở ngôi trường chuyên của tỉnh mà bạn từng thi trượt trước đó.
“Nói” giúp người khiếm khuyết
Thuận kể bạn thường dành thời gian đọc sách thiền, Phật giáo. Bạn đọc nhiều cuốn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhưng thích nhất lại là cuốn Nhà giả kim của tác giả Paulo Coelho do thầy Đỗ Đức Đông tặng. Thuận bảo gặp được thầy Đông là một cơ duyên từ trại hè do Trung ương Đoàn tổ chức tại Cần Giờ (TP.HCM) vào nhiều năm trước.
TS Đỗ Đức Đông hiện là giảng viên khoa công nghệ thông tin, Trường đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Thầy Đông nói khi lập trình, người bình thường phải gõ lại chương trình để giải quyết bài toán và việc đó đã khó khăn vì khi nghĩ sai đã phải bỏ đi, gõ lại. Với Thuận, sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nên cần phải tính toán chính xác, rõ ràng những dòng mã (code) trong đầu rồi mới gõ lên bàn phím.
Chính TS Đỗ Đức Đông đã định hướng Thuận tham gia nhóm nghiên cứu phần mềm dùng trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện và hỗ trợ chuyển đổi phát âm theo ngữ điệu của người khuyết tật giọng nói dưới sự hỗ trợ của PGS.TS Lê Thanh Hà.
“Với hạn chế của bản thân mà Thuận vẫn làm được những điều đôi khi người bình thường còn khó thực hiện, em ấy cần phải có nghị lực rất lớn kèm một trí tuệ rất tốt”, thầy Đông đánh giá.
Phần mềm ấy giúp chỉnh lại giọng nói của một người phát âm không chuẩn hoặc rối loạn giọng như giọng điệu tự nhiên, có nhấn nhá chứ không chỉ đơn thuần đọc lại bằng giọng máy vô hồn. AI có cơ chế “tự học” dữ liệu từng cá nhân cụ thể để chuyển ngữ, và việc hướng tới từng cá nhân cụ thể sẽ giúp tăng độ chính xác của phần mềm.
Chia sẻ về dự án, Nguyễn Đức Thuận cho hay phần mềm dùng AI hướng tới người câm điếc, người có vấn đề về phát âm hoặc không thể nói chuyện bình thường với người khác giống mình. Nhóm vẫn đang tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu để có thể tích hợp phần mềm trong các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính…
Để thực hiện dự án này, Nguyễn Đức Thuận phải trau dồi thêm ngoại ngữ để có thông tin, kiến thức nghiên cứu về AI, lập trình chuyên sâu… Hiện nhóm đang nghiên cứu tới bước tái tạo giọng nói, giọng điệu của người câm, người không nói rõ hoặc rối loạn tiếng nói thường gặp ở người già, người khuyết tật.
Qua tìm hiểu, Thuận biết ở nước ngoài đã có nhiều phần mềm chuyển giọng bằng tiếng Anh nhưng tiếng Việt thì chưa có. “Do phát âm tiếng nước mình vốn nhiều giọng điệu, vùng miền mà dữ liệu lại ít nên AI khó phân biệt các từ đọc gần giống nhau nên nhóm tụi mình vẫn hoàn thiện tiếp nghiên cứu để cải tiến phần này” – Thuận cho biết.
Vinh quang Việt Nam gọi tên Nguyễn Đức Thuận
Tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2022 vừa diễn ra ở Hà Nội ngày 10-9, Nguyễn Đức Thuận – sinh viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) – là một trong sáu cái tên được vinh danh ở hạng mục cá nhân tiêu biểu.
Hành trang giải thưởng công nghệ thông tin của Thuận còn có giải nhất hội thi Tin học trẻ quốc gia 2020, giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tin học 2021, là một trong 15 học sinh đại diện Việt Nam dự thi Olympic tin học châu Á – Thái Bình Dương 2021.
(Theo Báo Tuổi Trẻ)
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Ghim cài áo Lá Bồ đề cao cấp 3D nổi...
Ghim cài áo
85.000đ
Thiện Lành như Phật: Nhân hậu thật giản đơn
Sách tương tác
60.000đ
Thiện Lành Như Phật: Trung Thực Siêu Năng Lực
Sách tương tác
60.000đ
Tập học sinh 96 trang Tốt Đẹp
Tập học sinh
8.000đ