50 triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Nếu bạn có sợ hãi về nỗi khổ niềm đau, bạn nên quan sát xem bạn có thể làm được gì với nó. Nếu bạn có thể, không có gì phải lo lắng về nó. Nếu bạn không thể làm được, lại càng không nên lo lắng về nó.
1. Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta.
2. Nếu có thể, hãy giúp người khác. Nếu không có thể thì ít nhất không nên hại ai.
3. Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.
4. Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế.
5. Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.
6. Thẩm quyền tuyệt đối luôn dựa vào lý trí và sự phân tích nghiêm túc.
7. Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người.
8. Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bình trong chính mình.
9. Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể trở nên tử tế.
10. Nếu bạn có sợ hãi về nỗi khổ niềm đau, bạn nên quan sát xem bạn có thể làm được gì với nó. Nếu bạn có thể, không có gì phải lo lắng về nó. Nếu bạn không thể làm được, lại càng không nên lo lắng về nó.
11. Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.
12. Tiềm năng con người vốn bằng nhau ở mỗi người. Cảm giác: “tôi không có giá trị” là sai lầm. Hoàn toàn sai lầm. Bạn đang lừa dối chính mình. Chúng ta có năng lực tư duy, do vậy, thử hỏi ta thiếu cái gì đây? Nếu ta có năng lực ý chí, bạn có thể thay đổi mọi thứ. Bạn có thể nói rằng: “Bạn là chủ nhân của chính bạn”.
13. Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.
14. Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.
15. Khi con người còn sống, chúng ta phải nghĩ đến các thế hệ tương lai: Một môi trường sạch được xem là nhân quyền giống như bao quyền khác. Vì vậy, một phần trách nhiệm của chúng ta về người khác là đảm bảo rằng thế giới mà ta đang sống là khỏe mạnh, nếu không nói là khỏe mạnh hơn cái ta đã thấy.
16. Danh ngôn Tây Tạng có câu: “Bi kịch nên được sử dụng như nguồn sức mạnh”. Bất luận là khó khăn nào, kinh nghiệm đau khổ ra sao, nếu chúng ta đánh mất hy vọng thì đó là thảm họa đích thực.
17. Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là con người hay con vật, là để cống hiến, theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.
18. Cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó chứa đựng. Tương tự, người ngu không thể hiểu được trí tuệ của người khôn, dù cho có thân cận bậc thánh.
19. Trong cuộc chiến vì tự do, chân lý là vũ khí duy nhất mà chúng ta sở hữu.
20. Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh.
21. Mỗi ngày, khi thức dậy, bạn hãy nghĩ rằng hôm nay tôi may mắn còn sống, tôi có cuộc sống con người quý giá, tôi sẽ không phí phạm cuộc sống này.
22. Tâm con người giống như sự nhảy dù. Nó chỉ trở nên tốt đẹp nhất khi nó ở trạng thái mở bung ra.
23. Nếu bạn nghĩ rằng bạn quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt, hãy thử ngủ với loài muỗi [rồi bạn sẽ biết].
24. Cần ghi nhận rằng tình thương vĩ đại và các thành tựu to lớn thường dính líu đến các rũi ro lớn.
25. Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm tuột mất các giá trị mà bạn có.
26. Hãy nhớ rằng im lặng, thi thoảng, là câu trả lời tốt nhất.
27. Hạnh phúc con người và sự thỏa mãn con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi các thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc từ máy vi tính.
28. Thật cần thiết trong việc phát khởi thiện chí và thái độ tốt, càng nhiều càng tốt. Với thiện chí và thái độ tốt, hạnh phúc, ngắn hạn và dài hạn, cho chính ta và tha nhân sẽ hiện hữu.
29. Chúng ta cần hơn một chút nữa từ bi. Nếu chúng ta không thể có từ bi thì không có chính trị gia hay ảo thuật gia nào có thể cứu nguy hành tinh này.
30. Giới truyền thông cần có các lỗ mũi dài như con voi để ngửi thấy các chính trị gia, thị trưởng, thủ tướng và nhà kinh doanh. Chúng ta cần biết thực tại, cái tốt lẫn cái xấu, không đơn thuần chỉ là các biểu hiện bên ngoài.
31. Tha thứ không có nghĩa là quên đi tất cả những gì đã xảy ra. Nếu điều gì đó xảy ra quá nghiêm trọng thì bạn cần phải tiến hành các biện pháp đối phó. Bạn cần có các biện pháp đối phó.
32. Hạnh phúc đích thực có được từ sự biết hài lòng và hòa bình nội tại. Sự hài lòng và hòa bình nội tại chỉ có thể đạt được thông qua sự phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam.
33. Đã đến lúc cần giáo dục quần chúng ngừng lại các tranh cãi dưới danh nghĩa tôn giáo, văn hóa, quốc gia và các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Đấu tranh như thế là vô dụng và tự tử.
34. Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì chúng chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều trị tâm. Khi tâm trở thành sự thực tập, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.
35. Tôi cảm nhận rằng tinh hoa của thực tập tâm linh là thái độ của ta đối với tha nhân. Khi bạn có động cơ chân thành và trong sáng, lúc ấy bạn sẽ có thái độ đúng với tha nhân, trên nền tảng từ bi, tình thương và sự tôn trọng. Thực tập Phật pháp] sẽ mang lại cho bạn sự nhận thức rõ ràng về tính chân như của mỗi con người và tầm quan trọng của người khác, làm lợi lạc bởi các hành vi của bạn.
36. Tâm bồ-đề là dược liệu, có khả năng làm mới và cung cấp sự sống cho mỗi chúng sanh, những ai chỉ cần nghe đến nó. Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, lúc ấy các nhu cầu của bạn đang được hoàn thiện như một phó phẩm.
37. Từ bi không phải là một phản ứng cảm xúc, mà là sự cam kết chắc chắn được xây dựng trên lý trí. Do vậy, thái độ từ bi thực sự đối với tha nhân sẽ không thay đổi, ngay cả trong tình huống bị người khác ứng xử tiêu cực. Từ bi đích thực không dựa trên các đề án hay sự mong đợi, mà thực ra là dựa trên nhu cầu của tha nhân.
38. Các vấn nạn chúng ta đối diện ngày nay như xung đột bạo lực, sự hủy hoại thiên nhiên, nghèo đói v.v… đều là các vấn nạn do chính con người gây ra. Các vấn nạn cần được giải quyết bằng sự hiểu biết và nỗ lực của con người, cũng như sự phát triển ý thức về tình huynh đệ. Chúng ta cần phát huy tính trách nhiệm phổ quát vì nhau và vì hành tinh mà chúng ta đang chia sẻ.
39. Vì chúng ta chia sẻ hành tinh nhỏ bé này, chúng ta phải học cách sống hài hòa và hòa bình, vì nhau và vì thiên nhiên. Đó không phải là giấc mơ, mà là sự cần thiết. Chúng ta tương thuộc nhau bằng nhiều cách. Chúng ta đã không thể sống trong cộng đồng cô lập và không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ngoài cộng đồng. Chúng ta nên chia sẻ các may mắn mà chúng ta đang hưởng được.
40. Mặc dù tôi nhận ra rằng đạo Phật của tôi [có giá trị] giúp ta phát khởi tâm từ bi, ngay cả đối với những ai chúng ta xem là kẻ thù, tôi tin chắc rằng mọi người có thể phát triển thiện chí và ý thức trách nhiệm phổ quát, cùng với hay không cùng với tôn giáo.
41. Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tu viện; không cần triết học phức tạp. Bộ não và trái tim của chúng ta là chùa chiền của chúng ta; triết học là lòng tử tế.
42. Từ một góc nhìn, Phật giáo là một tôn giáo. Từ phương diện khác, Phật giáo là khoa học về tâm và không phải là tôn giáo. Phật giáo có thể là cây cầu giữa hai phương diện vừa nêu.
43. Tôi không muốn cải đạo người khác theo đạo Phật. Tất cả các tôn giáo lớn, khi hiểu một cách đúng đắn, đều có tiềm năng phục vụ cái tốt.
44. Năm tháng trôi đi, càng ngày tôi càng tin rằng, bỏ qua các dị biệt về triết lý, các tôn giáo có thể làm việc cùng nhau. Mỗi tôn giáo đều nhắm tới việc phục vụ nhân sinh. Vì thế, các tôn giáo khác nhau có thể làm việc cùng nhau để phục vụ nhân loại và đóng góp cho hòa bình thế giới.
45. Các bạn cũ ra đi, các bạn mới xuất hiện. Cũng giống như ngày tháng. Khi ngày cũ trôi qua, ngày mới lại đến. Điều quan trọng là hãy làm cho mọi thứ có ý nghĩa: một người bạn có ý nghĩa, hoặc một ngày có ý nghĩa.
46. Giúp đỡ tha nhân là cần thiết, không chỉ trong thời khóa cầu nguyện của ta, mà phải trong đời sống thường nhật. Khi ta nhận chân rằng chúng ta không thể giúp người khác thì điều tối thiểu ta có thể làm là dừng ngay các hành động thương tổn họ.
47. Chúng ta cần tự phê bình. [Chẳng hạn như] tôi đã làm được gì trong việc vượt qua giận dữ, chấp dính, hận thù, hãnh diện và ganh tỵ? Đây là những điều chúng ta cần kiểm tra trong đời sống thường nhật bằng kiến thức của lời Phật dạy…
48. Chủ nghĩa cực đoan là kinh hãi vì nó dựa trên cảm xúc thuần túy, hơn là sự thông minh. Nó ngăn tín đồ không thể suy tư với tư cách là các cá nhân và không vì lợi ích của thế giới.
49. Ngày nay, chúng ta thực sự là một gia đình toàn cầu. Những gì xảy ra trong một phần của thế giới có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Điều này dĩ nhiên không chỉ đúng với sự việc tiêu cực, mà còn đúng cả với các phát triển tích cực.
50. Ngày nay, chúng ta đối diện với nhiều vấn nạn. Vài vấn nạn do chính chúng ta tạo ra, do các phân biệt về ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc, tình trạng kinh tế, hoặc do các yếu tố khác. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ dưới góc độ sâu sắc hơn, dưới lăng kính con người, và từ góc độ này, chúng ta nên ghi nhận và tôn trọng tính tương đồng của người khác với tư cách là nhân loại.
(phatgiao.org.vn)
Sách Tốt Đẹp – Sách Phật cho bé
Sản phẩm bạn có thể quan tâm
Ghim cài áo lá Bồ Đề Không cuốn Đức Phật...
Ghim cài áo
85.000đ
Ngụ Ngôn Nhân Quả: Lời Thì Thầm Của Gió
Sách tô màu
25.000đ
Thiện Lành như Phật: Nhân hậu thật giản đơn
Sách tương tác
60.000đ
Thiện Lành như Phật: Biết ơn là hạnh phúc
Sách tương tác
60.000đ